Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

E visa Vietnam

Chăm sóc hoa kiểng sau tết

Vào mỗi dịp Tết đến xuân về nhà ai cũng trưng bày nhiều chậu hoa tươi, kiểng đẹp đón mừng năm mới. Sau những ngày xuân, để cây tiếp tục sinh sôi nảy nở chúng ta cần phải biết cách chăm sóc ngay sau những ngày Tết vui vẻ, để những cây kiểng ở góc sân vườn nhà của mình “đủ sức” sống khỏe trong suốt năm; nhằm đến hẹn lại lên xuân năm sau lại tiếp tục khoe sắc hoa rực rỡ với một vài lưu ý như sau:



1- Đối với mai vàng và một số hoa lưu niên khác như đỗ quyên, đào, lộc vừng, kim ngân lượng, trạng nguyên,… cần bón phân hữu cơ và phân nuôi thân, lá, cành, rễ. Tốt nhất nên dùng phân hữu cơ vi sinh Tipa, Sumicoat (16-19-16), N-P-K 30-10-10, N-P-K 20-20-20. Bón định kỳ 1 tháng 1 lần.


2- Đối với các loại cây hoa vẫn còn ra hoa tiếp tục như dạ yên thảo, sống đời, dừa cạn, trang, cúc, bông giấy, tử la lan, móng tay, mõm chó… thì cần bón tiếp loại phân nuôi mầm hoa, nuôi hoa. Tốt nhất nên dùng Chyoda (17-14-12), N-P-K 6-14-6, sử dụng xen kẽ với N-P-K 20-20-20.


3- Đối với các loại kiểng lá, chậu nhỏ nên pha loãng dung dịch phân bón thủy canh vào một đĩa nhỏ, đặt chậu kiểng vào đĩa để hút dần lên chậu 1 tuần 1 lần. Hoặc dùng phân viên phân giải chậm cho vài hạt vào chậu là đủ nuôi 1 – 2 tháng.


4- Đối với kiểng lá màu càng đơn giản hơn chỉ cần một ít phân hữu cơ và bánh dầu đậu phộng là đủ, định kỳ 1 tháng 1 lần.

Tuy nhiên đối với hoa- kiểng- cỏ có nhiều chủng loại đòi hỏi sự chăm sóc kĩ hơn về cách tỉa cành, bón phân và chế độ tưới nước. Do vậy, chúng ta cũng cần trao đổi trực tiếp với các chuyên viên tư vấn kỹ thuật để có được những chỉ dẫn cụ thể, riêng biệt.

Như vậy, bạn có thể tự chăm sóc hoa kiểng trong nhà được rồi đấy, chỉ cần bón phân định kì và tưới nước vừa đủ hàng ngày. Có như vậy hoa kiểng trong nhà bạn sẽ luôn tươi tốt.

Theo TS.Nguyễn Thị Đào
Read More
E visa Vietnam

Cách trồng lại hoa cúc sau Tết


Hoa cúc trưng trong nhà ngày tết với ý nghĩa tăng thêm sức sống, phúc lộc thọ và niềm vui. Sau khi hoa tàn để có thể trồng lại để chơi tiếp. Bạn có thể tham khảo một cách trồng lại như sau: 



1. Cắt ngang cây, bỏ ngọn và bông phía trên, chỉ để lại một đoạn gốc dài khoảng 20 -30 cm. 

Bỏ bớt đất trong chậu ra rồi bổ sung thêm bằng phân hữu cơ đã được ủ thật mục hay phân hữu cơ sinh học... 

Bón thêm một muỗng cà phê phân NPK (loại 20-20-15) cho một chậu, phía trên phủ bằng một lớp đất mỏng, đặt vào chỗ mát và tưới nước giữ ẩm hàng ngày.

2. Sau khi đã bị cắt ngọn, chất kích thích sinh trưởng trong cây sẽ tập trung vào các mầm ngủ nằm ở phía dưới chỗ cắt, mầm ngủ sẽ phát triển thành những chồi mới.

 Khoảng nửa tháng, sau khi bón phân lần thứ nhất thì bón tiếp lần 2, lần bón này dùng một muỗng cà phê phân NPK (20-20-15) hòa với nước tưới cho một chậu để giúp cho chồi non mọc khỏe. Khi chồi non ra rễ thì tách lấy chồi (không lấy những chồi đã ra nụ), rồi cắt bớt ngọn (chỉ để chồi dài khoảng 10 cm), đem giâm vào đất tốt có trộn thêm phân hữu cơ mục để chồi ra thêm rễ mới, lá mới.

 Che nắng cho cây, tưới sương sương hàng ngày để giữ ẩm cho đất.



3. Sau khi giâm khoảng 15-20 ngày, khi chồi ra thêm rễ và lá mới thì bứng đem trồng vào chậu.

 Đất trong chậu mới được trộn với phân chuồng mục theo tỉ lệ cứ một phần đất thì trộn đều với một phần phân, đặt chậu cây vào trong chỗ râm, mát. Từ khi cây bén rễ, đưa dần chậu cây ra ngoài nắng để cây có đủ ánh sáng. Có như vậy cành nhánh mới mập mạp, hoa mới lớn, lâu tàn và màu sắc rực rỡ.

Khi cây mọc cao khoảng 15-20 cm, bón thêm một lớp mỏng phân hữu cơ sinh học lên trên mặt chậu, sau đó cứ khoảng 15-20 ngày lại bón một lần bằng phân NPK (loại 20-20-15).

4. Muốn cho cây có nhiều nhánh, tán to đẹp thì khi cây có 4-5 lá tiến hành bấm đọt cho cây ra nhánh mới, khi nhánh mới có 4-5 lá lại bấm tiếp cho ra nhánh con... khi nào thấy đã đủ số lượng nhánh thì dừng lại.

Muốn cho có hoa chơi vào những ngày Tết thì lần bấm cuối cùng phải cách Tết khoảng trên dưới 70 ngày (tùy theo giống).

5. Trên cây hoa cúc thường có một số loại sâu bệnh như: rệp muội nâu, sâu ăn tạp, sâu xanh, bệnh thối gốc nở cổ rễ, bệnh gỉ sắt… Hàng ngày trong lúc chăm sóc cần chú ý quan sát nếu thấy sâu bệnh xuất hiện ít, trong diện hẹp thì có thể bắt bằng tay. Nếu sâu bệnh xuất hiện nhiều thì xịt thuốc hoá học để bảo vệ chậu cúc, khóm cúc luôn đẹp, khỏe mạnh.

- Rệp muội nâu, sâu khoang (sâu ăn tạp), sâu xanh… có thể sử dụng một số loại thuốc như: Vetsemex 20EC hoặc 40EC; Karatimec 2EC; Goldra 250WC; Visher 25ND…

- Bệnh thối gốc nở cổ rễ, có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: Kacie 250EC; Vicarben 50BTN/50HP; Benlate 50WP; Validacin 3L/5L/5SP; Moceren 25WP/ 250SC...

- Bệnh gỉ sắt có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: Kacie 250EC; Vicarben 50BTN; Carban 50SC; Vimancoz 80BTN; Bamper 250EC; Anvil 5SC; Mancozeb 80WP…

TH.
Read More

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

E visa Vietnam

Kỹ thuật trồng và cách chăm sóc hoa đỗ quyên


Đỗ quyên là loài hoa có màu sắc đa dạng, được nhiều người ưa chuộng và mua về làm cây cảnh.  Nhân giống hoa đỗ quyên người ta thường dùng các phương pháp giâm cành, gieo hạt và chiết. Đối với giâm cành có thể tiến hành vào tháng 5 hoặc tháng 10, chiết vào tháng 4 - 5, còn gieo hạt thì vào vụ xuân. Phương pháp giâm và chiết thì nhanh cho cây thành phẩm hơn so với gieo hạt. Để trồng hoa Đỗ Quyên bạn có thể tham khảo một số kiến thức sau:



1. Đất trồng cây

- Đất tơi xốp, thoát nước, thông thoáng gió, nhiều mùn, đủ phân bón. Độ pH khoảng từ 4 – 5 là phù hợp nhất.

- Pha trộn đất trồng hoa đỗ quyên: Lấy 2 phần đất mặt trên núi phong hoá + 1 phần lá rụng + 1 phần phân động vật ăn cỏ, trộn ủ 1 năm. Ngoài ra cũng có thể trộn theo công thức: 3 phần đất tầng mặt + 3 phần phân ngựa + 3 phần lá mục + 1 phần nước giải, trộn đều, phân thành lớp, ủ trong 1 – 2 năm. Chú ý, phải để phân ủ trong nhà có mái che để giảm độ phì do nắng mưa, trước khi dùng thì phải loại bỏ tạp chất.

2.Cách chăm sóc

- Thay chậu: Thay chậu với hoa đỗ quyên là việc làm cần thiết. Cây hoa đỗ quyên cần được thay chậu trong các trường hợp sau: Chuyển cây từ ngoài đất vào chậu. Thứ hai là cây con lớn, bộ rễ đầy chậu đáy chậu có rễ ra ngoài. Cũng cần phải thay chậu sau khi trồng cây 2-3 năm, dinh dưỡng trong chậu đã hết. Có thể tiến hành thay chậu vào vụ xuân hoặc vụ thu (trước khi hoa đã tàn hoặc trước khi cây vào nụ). Khi thay chậu người chăm sóc nên chọn loại chậu có chất liệu và kích thước phù hợp với tuổi cây. Khi thay chậu chú ý bỏ hết đất cũ, cắt bỏ rễ xấu. Sau khi thay chậu cần tưới đẫm nước, nếu thay vào vụ thì cần chú ý giữ ẩm cho cây trong vụ đông.

- Tưới nước: Cây đỗ quyên có bộ rễ rất mạnh nên nó rất sợ hạn và không chịu ngập úng lâu. Nếu hạn hoặc úng quá đều khiến cây sinh trưởng, phát triển kém, lá vàng, hoa rủ. Chính vì vậy, cần căn cứ vào điều kiện thời tiết để có chế độ tưới cho phù hợp. Thời gian tưới tốt nhất là vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Vào thời kỳ cây sinh trưởng, ra nụ, hoa cần tưới nước nhiều hơn. Trong những ngày trời hanh khô cần phun nước nhiều xung quanh lá, hoa, chậu và mặt đất để tăng độ ẩm không khí.

Nước dùng tưới cho đỗ quyên tốt nhất là nước tự nhiên, rồi nước sông, ao hồ và cuối cùng là nước máy. Để tăng độ chua cho nước tưới ta có thể cho thêm sunfat sắt hoặc cho thêm dấm ăn.

- Bón phân: Đỗ quyên không phải loại cây phàm ăn, vì vậy cần chú ý khi bón phân. Nếu bón nhiều phân, bón phân quá đặc còn ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Để hoa to và đẹp thì cần bón một lượng phân phù hợp, cách bón phân hợp lý mà theo kinh nghiệm của nhà vườn là: Phân khô bón ít, phân nước pha loãng. Thông thường chỉ bón phân với các cây từ hai năm tuổi trở lên. Đối với cây 2-3 năm tuổi thì chỉ bón từ cuối xuân đầu hè, cứ 10-15 ngày bón một lần phân loãng. Đối với cây từ 4 năm trở lên, mỗi năm bón 2 lần phân khô vào mùa xuân và mùa thu, giữa tháng 6 thì bón một lần phân P, K. Sau tháng 6 thì ngừng bón phân, đến khi tàn, cây mọc cành mới có thể bón nước phân loãng.

+ Không nên bón nhiều phân vào mùa hè để tránh vàng lá, rụng lá.

+ Mùa hè cây sinh trưởng bình thường và đang bước vào giai đoạn sinh trưởng thực thì có thể bón 1-2 lần Ca3(PO4)2 + Ca(HPO3) thúc đẩy ra nụ hoa. Sau mỗi lần bón phần cần tăng cường tưới nước và xới xáo. Sau mùa đông không cần bón phân.


3. Phòng trừ sâu hại

- Nhện đỏ gây hại chủ yếu trên hoa. Khi bị nhiễm nhện có thể dùng loại thuốc như DDVP 0,1% phun trừ hoặc dùng nước ngâm lá trúc đào, thanh hao pha loãng để phun.

- Rệp ống gây hại trên lá, cành non và hoa. Đối với loại này cần chú ý việc diệt trứng của chúng qua đông bằng hợp chất lưu huỳnh vôi 5%. Trong thời kỳ rệp gây hại thì có thể dùng thuốc Rogor 0,1%.

- Nhện râu ngắn gây hại trên lá, cành non và phát sinh mạnh vào mùa hè. Có thể dùng Sumithion 0,2% phun diệt.

- Bệnh thối rễ: Bệnh làm cho cây khô héo. Bệnh phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao, độ ẩm lớn. Để hạn chế bệnh cần phải xử lý đất khi thay chậu. Khi phát hiện bệnh cần xử lý cây và đất kịp thời bằng thuốc tím 0,1% hoặc sunfat sắt 2%. Có thể dùng Topxin 0,1% phun vào chậu cũng có hiệu quả.

- Bệnh đốm nâu: Đây là loại bệnh gây hại chính trên cây đỗ quyên và gây hại chủ yếu trên lá, làm ảnh hưởng tới hoa. Để phòng trừ bệnh cần chú ý để cây vào nơi thông thoáng, cần tăng cường bón phân tổng hợp. Khi phát hiện cây nhiễm bệnh cần nhanh chóng phun Boodo 1% để trừ bệnh.

- Bệnh lá vàng do thiếu sắt: Bệnh này thường xuất hiện ở cây trồng trên đất kiềm. Với loại bệnh này thì chỉ cần bổ sung thêm sắt sunfat là được. Có thể bổ sung theo 2 cách là tưới hoặc phun.

TH.
Read More

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

E visa Vietnam

Suýt bị vợ bỏ vì "tội" mê lan, trai phố núi kiếm tiền tỷ mỗi năm

Dù bị vợ phản đối kịch liệt, suýt bị vợ bỏ mấy lần nhưng anh Bắc vẫn trốn vợ chăm lan. Thế rồi kết quả đến thật không ngờ, mỗi năm anh rủng rỉnh bỏ túi hơn 1 tỷ đồng.


Lan Đai Châu rực rỡ vào dịp Tết

Suýt bị vợ bỏ vì “mê” lan

Cả ngày bận rộn với vai trò là một nhân viên kỹ thuật ở Công ty Thủy điện Ia Ly, nhưng đêm về anh Nguyễn Thế Bắc (38 tuổi, trú tại TP.Pleiku, Gia Lai) vẫn không quên thắp đèn chăm sóc vườn lan rừng của mình. Dù bị vợ phản đối kịch liệt, nhiều lần suýt bị vợ bỏ, nhưng sau một thời gian trốn vợ chăm lan, đến nay anh đã sở hữu vườn lan "khủng", mỗi năm thu về hơn 1 tỷ đồng.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Bắc nhớ lại: “Do ban ngày đi làm về muộn nên chỉ rảnh được chút thời gian buổi tối. Tắm rửa, cơm nước xong là lọ mọ thắp đèn chăm lan. Hồi đó vợ ghét lắm, đòi bỏ mấy lần. Sợ vợ giận nên tôi hứa không chơi lan nữa, nhưng mê quá nên trốn vợ chơi tiếp. Nghiện luôn rồi, giờ tôi thấy giò lan rừng nào mới, lạ là phải đưa về nhà cho bằng được...”.

     
             
 ́
Với diện tích 1.000m2, khu vườn của anh Bắc có gần 3.000 giò lan các loại

Để có vườn lan bạc tỷ như hiện tại, anh Bắc đã phải bỏ ra rất nhiều tiền vì lúc mới trồng, lan chết gần hết. “Ngày xưa thích là chơi thôi không hỏi ai hết, tự tìm hiểu tài liệu, tự đọc, từ trồng và tự nghiên cứu nên mất “tiền ngu” nhiều, cứ thấy loại nào mới là mua về trồng luôn. Giờ mình biết học hỏi kinh nghiệm thực tế nên giò nào, giò nấy phát triển rất tốt, nhiều người còn đến học hỏi mình nữa...”, anh Bắc nói.

Khác với nhiều người, theo anh Bắc khi chơi lan rừng phải lựa chọn những loại lan dễ trồng, bông đẹp, bông thơm như giả hạc Hawai, nghinh xuân, long tu...chứ không nên trồng đại trà. Đặc biệt, những loài lan quý hiếm không nên chơi nhiều vì giá cả bấp bênh... Một số dòng lan như hoàng thảo hạt, long tu, hoàng thảo vôi giá cả khá an toàn, nở rất đẹp, nhất là vào tháng 3, tháng 4.

                           

Giò lan giả hạc cánh tím nở sớm nhất trong vườn anh Bắc

Do quá bận rộn với công việc ở công ty nên anh đã thuê thêm hai người em để kịp trồng, chăm sóc và bán lan, nhất là dịp cận tết. Sau khi hết giờ làm, anh tranh thủ buổi tối hướng dẫn 2 người em về các công đoạn chăm sóc lan.

Tỷ phú "bật mí" kinh nghiệm chơi lan rừng        

Chia sẻ về kinh nghiệm hơn 10 năm chơi lan, anh Bắc tiết lộ: “Lan rừng là phong lan nên phải có gió, có nắng mới phát triển tốt được, lan rừng mà thiếu nắng sẽ teo lại, không phát triển... Với mùa hè nắng, nóng nên giữ vườn lan ở nhiệt độ khoảng 28 - 30 độ C, còn mùa đông khoảng 17 độ C...”.

Hiện trại, trong vườn của anh Bắc có một số loài lan chủ lực như Nghinh xuân, giả hạc rừng, giả hạc Hawaii, long tu, hoàng thảo vôi, đuôi chồn... Lan rừng được thuần tại vườn của anh chủ yếu được xuất bán ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi tháng, doanh thu bán lan của anh khoảng 400 - 500 triệu đồng. Từ chuyện trốn vợ vì mê lan rừng, đến nay mỗi năm anh thu về hơn 1 tỷ đồng.

Theo anh Bắc, thời gian trồng lan thích hợp nhất là cận tết, không nên trồng trái mùa. Một số loại lan thân thòng như giả hạc, long tu... nên lựa cây đã rụng hết lá, cành già, lấy về trồng gốc sẽ ra mầm tơ, nuôi mầm tơ từ nhỏ sẽ phát triển mạnh. Ngược lại, nhổ cây ở rừng về sẽ mất rễ, mất sức sống...

“Trồng lan rừng giai đoạn đầu hơi cực nhưng khi thuần được khoảng 2 - 3 tháng sẽ rất dễ. Trước khi trồng nên hòa thuốc kích rễ vào chậu nước, rồi đem lan ngâm khoảng 10 - 15 phút treo ra ngoài cho ráo nước từ 1 - 2 ngày sau đó lên giò và trồng. Cứ như vậy, mỗi tuần bơm thuốc kích rễ 1 lần, khi nào thấy bộ rễ đạt, có thể hút được phân thì dừng lại và ghép phân lên. Phân bón cho lan là những túi phân chì (túi lưới, màu trắng) và bổ sung thêm phân đạm. Bên cạnh đó, trồng lan rừng phải giữ gìn môi trường sạch, thoáng nếu không côn trùng bay vào cắn lan. Nên dùng chế phẩm sinh học, nước vôi trong để bổ sung canxi cho lan và hạn chế côn trùng phá hoại”, anh Bắc cho biết thêm.

Hiện tại, một số dòng lan có giá trị cao ở vườn của anh Bắc là những dòng lan đột biến như giả hạt bông trắng tím đột biến chuyển sang bông trắng hoàn toàn, những dòng lan đột biến tùy bông xấu hay đẹp sẽ có giá thành khác nhau. Cánh bông đẹp khoảng 2 - 3 triệu/1cm, cánh bông xấu mà có khoảng 2 - 3 thân dài sẽ có giá 100 - 200 triệu đồng.

Chia sẻ với chúng tôi về dự định sắp tới, anh Bắc cho biết, sắp tới anh sẽ mở rộng diện tích vườn lan và sưu tầm thêm một số dòng lan lạ, đồng thời đầu tư thêm cây cảnh, tiểu cảnh.. .

Theo danviet
Read More

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

E visa Vietnam

Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng sau Tết

Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng sau Tết là thời điểm khá quan trọng giúp cây hồng tiếp tục nở hoa to, đẹp và bền lâu.

Hoa hồng luôn là biểu tượng của sắc đẹp chính vì thế mà nó đã trở thành loài hoa không thể thiếu trong những ngày Tết đến Xuân về. Sau Tết nếu biết cách chăm sóc hoa hồng tiếp tục cho ra những bông hoa đẹp với màu sắc rực rỡ. Dưới đây là các bước kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng sau Tết một cách cơ bản nhất.


1. Chọn chậu trồng hoa hồng sau Tết

Do hoa hồng là cây lâu năm nên ngày càng phát triển với bộ rễ tương đối rộng và dài do đó hãy chọn những loại chậu phù hợp với từng loại cây hồng sao cho bộ rễ được phát triển một cách thoải mái nhất. Lưu ý để không mất nhiều chi phí hãy chọn loại chậu nhựa vừa rẻ tiền vừa dễ di chuyển. Trường hợp ở nhà có sẵn bồn đất thì tận dụng trồng lại hoa hồng thẳng vào bồn nhưng phải nhớ xới xáo đất và thêm đất phân cho cây hoa hồng mau phát triển.

2. Đất trồng hoa hồng sau Tết

Cũng giống như nhiều cây hoa khác, khi trồng lại hoa hồng cần phải chọn đất phải tơi xốp thoát nước tốt, nên mua đất trồng cây đã được phối trộn và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.

3.Cắt tỉa nhánh cho cây hoa hồng

Sau Tết khi hoa hồng đã bắt đầu tàn khoảng 2/3 số hoa trên cây hồng thì nên tiến hành cắt tỉa hết các nhánh để dưỡng cây hoa hồng mau phục hồi sau đợt hoa Tết. Khi cắt tỉa, các nhánh nên cắt sâu từ 2-4 tầng lá.


4. Bón phân cho hoa hồng sau Tết

Việc bón phân cho cây hoa hồng sau Tết tương đối cầu kỳ. Trước hết cần bón phân bón Hữu cơ, hoặc phân NPK có thành phần N (Đạm), P2O5 (Lân) cao cho chậu hoa hồng.
Sau khi cây hoa hồng đã thay chậu, cây hoa hồng cần nhiều Đạm (N), và Lân (P2O5) để kích thích cây hoa hồng đâm chồi, to nhánh. Đồng thời cũng cần bổ sung thêm 1 số phân vi lượng như Sắt, Kẽm, Magie…

5.Phun thuốc phòng bệnh cho hoa hồng

Hoa hồng là loại cây bị khá nhiều loại sâu bệnh, nhất là thời điểm hoa hồng ra hoa. Do đó để phòng chống bệnh hại cây hoa hồng nhất là bệnh nấm cần phun 1 lần thuốc phòng ngừa nấm bệnh.

6. Tưới nước cho cây hoa hồng trồng chậu

Chúng ta nên tưới nước cho cây hoa hồng bằng vòi phun nhẹ tưới đều vào buổi sáng, nếu vào các ngày nắng gắt nên tưới thêm cho cây không bị héo. Lưu ý tưới lúc chiều mát nhưng không quá trể để nước không còn ướt lá và nụ hoa qua đêm dễ tạo môi trường cho sâu bệnh phát triển. Hoa hồng trồng chậu lượng đất ít nên khả năng giữ nước cũng bị hạn chế rất nhiều, chúng cần phải được cung cấp nước thường xuyên. Nên nếu cây trồng chậu cần tưới 2 ngày 1 lần tùy theo điều kiện khí hậu từng ngày từng vùng khác nhau có những liều lượng khác nhau.


Theo VietQ
Read More

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

E visa Vietnam

Hướng dẫn cách chăm sóc hoa đào sau Tết



Hoa đào là loài hoa không thể thiếu trong các gia đình miền Bắc vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Để có đào chơi Tết để năm sau các gia đình, bạn có thể tham khảo kinh nghiệm trồng lại cây đào như sau:


1. Trồng lại cành đào

- Sau Tết đem trồng càng sớm càng tốt, chậm nhất là khoảng 15 tháng giêng. Đào là cây cảnh không ưa bóng, nên chọn vị trí có nhiều ánh sáng.

- Đất trồng đào thích hợp là đất thịt pha sét có độ PH 7-8. Đào là cây không chịu được úng nên cần chọn đất cao ráo, tháo nước tốt, làm đất tơi xốp, lên luống cao khoảng 25-30cm, rộng 70cm, tạo rãnh để thoát nước tốt.

- Trước khi trồng phải bón lót bằng phân ải hoặc phân hữu cơ vi sinh.. Lúc trồng nhớ lấp đất vừa ngang cổ rễ, nêm nhẹ đất từ xung quanh dồn vào bầu cho chặt, tưới nước đẫm. Sau đó luôn tưới đủ độ ẩm cho đến khi cây ra lá non.

- Khi chuyển đào ra đất trồng các bạn cũng có thể để đào trong chậu hoa đào cũ nhưng nên thay hỗn hợp đất mới trong bầu với tỉ lệ 3-4 phần đất thì trộn với 1 phần phân hữu cơ.

2. Bón phân

- Có thể bón lót khoảng từ 3-5kg phân hữu cơ/cây tùy vào độ lớn nhỏ của chậu hoa đào.

- Sau mỗi lần cắt cần hòa phân hữu cơ tưới cho cây. Các tháng tiếp đều phải tưới. Tháng 8, 9 cần tưới bón nhiều để thúc cho cây nẩy nhiều hoa và to hơn. Đào ưa phân bắc ủ kỹ hoặc ngâm ngấu, nước tiểu, đạm ure.

3. Phòng trừ sâu bệnh

- Nếu đào bị nhện đỏ làm vàng lá, rụng lá các bạn có thể dùng luân phiên các loại thuốc Regent 800WG, Sokupi…

- Nếu chậu hoa đào của bạn có dấu hiệu lở cổ rễ hay đốm lá thì cần dùng Anvil 10EC hat Penac P.

- Cây đào cũng có thể bị rệp sáp làm hại, các bạn có thể dùng Supracide để phòng trừ.

4. Tạo tán, tạo thế cho chậu hoa đào

- Đào mới được trồng xong, người trồng cắt ngay cành lần thứ nhất. Lần này cắt thật đau để cành mới phát sinh nhiều, năm tới sẽ cho nhiều hoa. Nếu không cắt đau, để cành già, năm tới hoa chỉ có ở phía ngoài đọt cành.

- Sau đó, mỗi tháng phải cắt nhẹ một vài lần cho đến tháng 6 âm lịch mới thôi. Trong quá trình cắt sửa cần kết hợp tạo hình tán cây.

5. Hãm cây

Hãm cây là nhằm hạn chế sự sinh trưởng, bắt cây chuyển sang giai đoạn ra hoa.
- Dùng dao thật sắc khứa quanh một vòng cho đứt vỏ qua tầng libe vào tận gỗ ở vùng gần cổ cây. Sau khi hãm độ một tuần, lá đào hơi chuyển màu từ xanh đậm sang xanh nhạt và hơi rũ xuống là được. Nếu lá vẫn chưa chuyển là chưa được, cần phải hãm lại bằng cách khứa thêm một vòng khác ở trên vết cũ. Nếu vẫn chưa được lại phải hãm lần thứ 3.
- Thời gian hãm bắt đầu từ giữa đến cuối tháng 8 âm lịch, hãm trước những cây khỏe, có toàn bộ lá xanh tốt. Hãm sau những cây yếu, một phần lá đã chuyển sang màu vàng. Không hãm những cây già.

6. Tuốt lá

- Đào thuộc loại cây rụng lá hàng năm về mùa đông. Sau khi lá rụng, nụ hoa phát triển và lớn nhanh. Nếu cứ để tự nhiên thì đào rụng lá vào cuối tháng chạp và hoa nở vào cuối tháng giêng hoặc tháng hai năm tới. Cho nên muốn có hoa đẹp trong dịp Tết, đi đôi với việc hãm cây nói trên ta phải tuốt lá trước một thời gian. Thời gian đó dài, ngắn tùy giống, tùy cây mạnh hay yếu, cây tơ hay già. Thường tuốt lá đào bích từ mùng 5 đến 20/11 âm lịch, đào bạch từ mùng đến 15/10 âm lịch. Những cây già, yếu thời gian tuốt lá chậm hơn so với những cây to khỏe.

- Cần phải bảo vệ mắt hoa ở cuối nách lá. Nên bứt từng lá. Không được một tay tuốt lá thẳng từ đọt xuống, làm như vậy tổn thương đến mầm hoa.

7.Thúc và hãm thời gian ra hoa

Mặc dầu đã thực hiện những biện pháp chăm sóc và điều khiển như trên, nhưng thời gian ra hoa có năm cũng không đúng Tết. Vì nếu gặp rét, hoa sẽ ra chậm. Ngược lại, gặp thời tiết ấm hoa sẽ ra sớm hơn. Do đó vấn đề thúc và hãm phải thực hiện trong những trường hợp cần thiết.

- Thúc: Đầu tháng 12 âm lịch, nếu thấy các nụ hoa chưa nhú một cách rõ ràng, báo hiệu hoa sẽ nở chậm, cần phải thúc bằng cách: Tưới phân đạm Sunfat nitrat hay ure. Bới xung quanh gốc sâu độ 5cm, tưới phân Bắc, nước tiểu. Tưới nước nóng 35 độ -40 độC.

- Hãm: Vào hạ tuần tháng 11 âm lịch nếu thấy nụ hoa nhú to, có thể hoa nở sớm, cần áp dụng các biện pháp hãm là che ánh nắng, tạo bóng tối cho cây cả ngày trong thời gian mươi, mười lăm ngày. Vừa che vừa theo dõi thời tiết và tiếp tục nghiên cứu cây.

TH.


Read More

Thứ Ba, 20 tháng 2, 2018

E visa Vietnam

Cách chăm sóc cây quất cảnh sau Tết


Sau dịp Tết, nhiều gia đình thường vứt cây quất đi chứ không tiếp tục trồng để lấy quả dùng hoặc có thể phục vụ Tết năm sau vì trồng cây không lên hoặc lên nhưng không phát triển. Để cây có thể sinh trưởng, phát triển, ra hoa đậu quả phục vụ cho Tết năm sau bạn có thể tham khảo một số kiến thức sau.


1. Chăm sóc quất trong thời gian chơi Tết

Mỗi ngày dùng bình bơm nhỏ, loại có dung tích 0,5-1,5 lít phun hoặc dùng tay vẩy

nước sạch lên tán lá 1-2 lần, tưới đủ ẩm cho gốc quất, đảm bảo lá vẫn tươi và rụng ít sau đợt chơi tết.

2. Xử lý sau Tết

- Dùng sản phẩm siêu ra rễ phun ướt đẫm tán lá, tưới ướt đẫm gốc cây. Sau 10 ngày xử lý, bộ rễ cây quất đã được phát động, các rễ mới được hình thành. Dùng tay vặt 1/2 đến 2/3 số lá trên cây, tiến hành trồng, tưới ẩm như những cây quất giống bình thường.

- Quất thường trồng trên đất vườn, đất có pha cát, sét bảo đảm được độ thông thoáng và đủ độ ẩm. Độ PH thích hợp đối với đất trồng cây quất là 5-6.
Hố trồng cần bón 1-2kg phân vi sinh hoặc 3-5kg phân chuồng hoai mục để bón lót. Đất trồng cần lên líp cao, thiết kế mương nước xung quanh, líp rộng từ 4 - 6m, mương khoảng từ 20 - 30cm, tránh để nước ngập, quất sẽ ngừng phát triển và thậm chí có thể chết.

- Khoảng 5-7 ngày, người trồng cần xới xáo quanh gốc (cách gốc 30cm) cho đất tơi xốp và tưới hoặc bón phân khoáng (mỗi gốc bón 0,5-1kg NPK (12:5:10) cách gốc 30cm cho quất nhanh phát triển cành lá, có thể tưới, bón thêm nước hoặc phân chuồng hoai mục cho quất tốt bền và giảm sâu, bệnh hại.

- Dùng phân hữu cơ vi lượng PTS9 bón thay phân chuồng kết hợp với nước tăng trưởng vườn sinh thái phun lướt qua (nồng độ 5ml/15 lít nước khi lá non nhiều và 5ml/10 lít nước khi lá già, lá bánh tẻ) khoảng 15-20 ngày/lần, lá quất dày, xanh, quả to, mập chín màu sắc tươi đẹp lâu rụng, cây quất khoẻ mạnh chống lại sâu, bệnh hại tốt.

3. Tạo tán, tạo thế

- Có thể tạo thế mới hay duy trì thế sẵn có đã tạo từ năm trước. Người tạo tán, tạo thế phải tìm hiểu qua tài liệu, thực tế sản xuất, nắm được hình dạng cơ bản của từng loại thế thì mới thành công.

- Khi cắt tỉa tạo thế chú ý phải dùng dao, kéo sắc chuyên dùng, tiến hành công việc vào những ngày nắng ráo. Việc tạo thế cần làm định kỳ 7-10 ngày/lần.

4. Tạo quả, lộc cho cuối năm

- Cần đảo quất vào trung tới hạ tuần tháng 5 dương lịch. Trước khi đảo quất, tưới đủ ẩm, dùng đầm sắt hay gỗ đầm xung quanh gốc (cách gốc 20-30cm) cho phần đất đó liên kết với nhau, hạn chế nứt, vỡ bầu khi đào, đánh.
Bầu to hay nhỏ phụ thuộc vào cây, vào đường kính tán, đường kính chậu định bứng trồng sau này. Đầu tiên dùng cuốc, thuổng moi đất xa cách gốc 60-100cm, đào rãnh sâu 40cm, rộng 20cm, sau đó tỉa bỏ bớt đất đến đường kính bầu đã định, trong quá trình bỏ bớt đất, ta chặt bỏ các rễ quá to (đường kính > 1cm) không quấn quanh bầu được, còn các loại rễ nhỏ, mềm dài đem quấn quanh bầu, dùng dây nilon buộc chặt rễ qua gốc.


- Nếu muốn chỉ có một loại quả chín trên cây thì khi đánh bầu xong, để vào nơi râm mát, tránh mưa to làm hỏng bầu. Trong khoảng 10-20 ngày khi lá gần rụng hết (khoảng 80-90% lá rụng) thì đem trồng lại như bình thường, cây sẽ ra hoa kết quả vào tháng 7-8 và chín quả vào đúng dịp Tết.

- Nếu muốn quả vừa chín vừa xanh, có lộc hoa, sau khi đánh bầu đất để trong bóng râm 7-10 ngày sao cho cây rụng hết 1/2 lá rồi đem trồng lại. Khi cây kết quả ở lứa hoa đầu tiên và thứ hai (tháng 6-8) ta vặt bớt 1/2 lượng quả, cắt ngọn non, bón thêm phân đạm + kali hoặc tưới nước tăng trưởng vườn sinh thái cây sẽ tiếp tục ra hoa, kết quả ở lứa sau. Cuối năm trên tán cây sẽ có cả quả chín và xanh như ý muốn.

TH.






Read More
E visa Vietnam

Cây mai thu hút khách tham quan ở Đồng Nai được chăm sóc thế nào


Để cây mai khủng nở hoa vàng rực đúng dịp Tết, gia đình ông Trần Công Thạnh phải bỏ công chăm bón cùng nhiều bí quyết độc đáo. 



Những ngày qua, hàng nghìn lượt khách thập phương từ TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... lũ lượt kéo về thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) để tận mắt nhìn và chụp ảnh với cây mai vàng khoảng 50 tuổi nở vàng ươm hiếm thấy.

Do cây nằm ven đường Ngô Quyền, trung tâm của thị trấn nên lượng người đi qua ghé thăm những ngày đầu xuân đông nghẹt. Để phục vụ du khách tham quan, chủ nhà cũng đầu tư gần trăm triệu đồng mở quán cà phê nhỏ mang tên "Cây mai" trước hiên nhà. 

Cây mai cao 5 m, tán rộng 5 m, được phủ một thảm vàng óng ánh từ cánh mai với đường kính chừng 10 m khiến du khách trầm trồ, thích thú. Không chỉ có những bạn trẻ, nhiều người già, bậc trung niên cũng dẫn theo gia đình đến chụp ảnh kỷ niệm bên cây mai khủng. 

Cụ Ba (72 tuổi) cho biết, cây mai được gia đình mua từ khi còn trồng trong chậu nhỏ nhằm chơi Tết. "Khi đó, nhà nào có cây mai như vậy là quý lắm. Sau này, cây lớn thì con trai tôi đưa ra rẫy cà phê trước nhà trồng cho đến nay", cụ Ba nhớ lại.

Hoa mai rơi xuống tạo thảm vàng óng ánh dưới gốc cây khiến nhiều người thích thú. Ảnh: Phước Tuấn.
Hoa mai rụng xuống tạo thảm vàng óng ánh dưới gốc cây khiến nhiều người thích thú. Ảnh: Phước Tuấn.

Hoa mai rụng xuống tạo thảm vàng óng ánh dưới gốc cây khiến nhiều người thích thú

Ông Trần Công Thạnh (52 tuổi), con trai lớn của cụ Ba chính là người tự tay trồng và chăm sóc cây mai hàng chục qua. Chỉ là một thương lái buôn trái cây nhỏ, không rành chơi bonsai nhưng với cây mai khủng của gia đình thì ông biết đến từng căn bệnh, triệu chứng và thời gian nở hoa của nó.

Ông kể, cây mai có nguồn gốc từ Huế, khác với những mai thông thường, cội mai này có hai lớp hoa, nở theo chùm, mỗi hoa có từ 7 đến 12 cánh. Do được trồng trên vùng đất đỏ bazan nên cây phát triển tốt, ít khi ông can thiệp uốn nắn, chặt ép thế.

Do cây mai thế tán rộng, cành và gốc đều đẹp nên việc bảo vệ trong những ngày Tết đối với gia đình ông Thạnh vô cùng vất vả. "Ngày trước cũng có đôi lần bị chặt trộm vài nhánh nhưng 10 năm nay thì không còn, vì đến Tết gia đình đều cử người bảo vệ kỹ càng. Mấy ngày Tết là gia đình mất ngủ, phải thức canh mai", ông Thạnh nói và cho biết cảm thấy vui vì mỗi năm có hàng nghìn người đến "xông đất".

Chủ nhân cây mai tiết lộ, để hoa luôn nở rộ vàng ươm đúng dịp Tết, bí quyết giữ ẩm và thời gian ngắt lá rất quan trọng. "Mùa mưa cây luôn được tưới tự nhiên nên giữ ẩm tốt. Qua đầu mùa khô thì mình phải tưới nước đều đặn ba ngày một lần để giữ gốc luôn có độ ẩm nhất định, tránh tình trạng hễ gần Tết gặp mưa trái mùa là hoa nở sớm", ông Thạnh bật mí.

Ngoài ra, tùy theo sức khỏe của cây, ông Thạnh sẽ chăm bón, giúp cây có sức đề kháng và nở nụ đúng thời gian mong muốn. "Cứ đến rằm tháng Chạp là tôi lặt lá, theo dõi đến ngày giáp Tết mà thấy dấu hiệu bất thường về nụ hay hoa là can thiệp ngay. Có nhiều năm trời lạnh, cây nở chậm thì mình phải bón phân kali để ép cây nóng lên, bung hoa đúng sáng mùng 1 Tết", ông Thạnh tiết lộ.

Để có hình ảnh cây mai to, tán lá rộng, hoa phủ kín vàng rực như những năm gần đây, khâu ngắt lá được xem là quan trọng và tốn nhiều công sức nhất đối với gia đình ông Thạnh. Ông phải thuê gần 10 nhân công làm việc trong vòng 2 đến 3 ngày tùy theo tình hình thời tiết. Người được thuê phải có kinh nghiệm và kỹ thuật đối với cây mai, họ phải dùng thang bốn chân ngắt lá xung quanh hết mới đến ngọn. "Cây cành nhỏ, muốn lặt ngọn phải trèo lên hết sức cẩn thận, nếu gãy bất kỳ cành nào đó cũng sẽ khuyết, cây mai sẽ xấu ngay", ông Thạnh chia sẻ.

Theo chủ nhà, nhiều năm qua rất nhiều người đến đề cập mua lại cây mai với rất nhiều giá, có lúc đến 2 tỷ đồng nhưng gia đình kiên quyết không bán. "Cây mai gắn bó với ông bà, ba mẹ, anh chị em tôi từ những ngày khai hoang lập nghiệp ở đây. Dù có khó khăn chúng tôi cũng không bán. Nên hễ có người đề cập mua là chúng tôi từ chối thẳng thừng, bất kể họ trả giá khủng", một người cháu, thế hệ thứ ba lớn lên cùng cây mai trong gia đình cụ Ba, nói.


Du khách chụp ảnh bên cây mai vàng

Theo vnexpress
Read More

Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

E visa Vietnam

Cách chăm sóc hoa lan Hồ Điệp sau Tết

 Hoa lan hồ điệp biểu tượng cho sự cao sang, quý phai. Trưng bày hoa dịp Tết mang thêm sắc xuân cho không gian ngôi nhà của bạn mà còn mang ước mạng giàu sang, sung túc. Sau khi trưng hoa lan hồ điệp chơi hết Tết, hoa sẽ bắt đầu tàn, cây yếu. Để cây nhanh chóng hồi phục và phát triển tươi tốt trở lại, hoa hồi phục và tiếp tục phát triển ra hoa, bạn có thể tham khảo một số kiến thức sau.



1. Cắt tỉa vòi hoa, lá bị hỏng

Dùng kéo sắc đã khử trùng cắt ngồng hoa, không nên cắt sát cuống hoa sẽ làm gãy và dập lá thậm chí có thể bị thối vào phần thân cây. 

Cắt bỏ những lá bị bệnh nhiều (dấu hiệu của nấm, nhện loang rộng), nếu lá chỉ bị hỏng một phần thì tiến hành cắt bỏ phần bị thối đó đi, bôi vôi vào vết cắt để tránh bị nhiễm trùng.

 2. Cắt bỏ phần gốc, rễ bị hư thối

Sau Tết hoa hồ điệp thường được tưới nước cộng thêm que sắt uốn hoa sẽ làm cho rễ cây bị thối nên cần cắt bỏ phần rễ thối, giữ lại phần rễ sống.

– Nếu rễ cây còn tươi xanh ít bị thối thì ta giữ nguyên cả bầu của cây. Lấy kéo sạch cắt bỏ phần rễ thối, giữ nguyên các rễ vẫn còn tươi xanh. Sau đó đặt nguyên bầu cây vào chậu, dùng dây buộc chặt gốc cây lan không cho lung lay.



– Nếu rễ cây mà bị hỏng nhiều thì bỏ toàn bộ phần rêu nước trong bầu cây rồi tiến hành cắt toàn bộ phần rễ thối, bôi vôi hoặc keo vào vết cắt rồi bỏ ít xốp vào đáy chậu. Buộc cố định dây vào gốc để cây không bị lung lay khi cầm chậu.

– Chọn giá thể mới để trồng cây như than vụn, xơ dừa…

 3. Đặt cây vào chỗ mát

Sau khi đã cắt bỏ phần rễ thối và cho vào chậu thì bạn đặt cây vào chỗ mát, không để dính nước mưa.  Để khô trong khoảng ba ngày sau đó mới tưới đẫm toàn bộ chậu 1 lần.

Nên để cây cảnh nơi ánh sáng yếu như ở hiên nhà, dưới tán cây hoặc là che hai lớp lưới sáng 70%

4. Tiến hành bón phân


Để cây được bổ sung thêm năng lượng sau một thời gian dài ra hoa thì bạn cần bón phân định kỳ và tưới phun phân qua lá cho cây. Dùng phân bón N-P-K 30-10-10 hoặc 20-20-20 bổ sung thêm B1… Và định kỳ phun thuốc trừ nấm bệnh cho cây.

TH.
Read More

Thứ Năm, 15 tháng 2, 2018

E visa Vietnam

Cách chăm sóc cây, hoa cảnh ngày tết


Tết, những chậu cây đặt trong nhà, khoảng sân hay bên bậu cửa cũng khiến ngôi nhà trông mát mắt hơn. Nhưng nếu không biết cách chăm sóc, chúng sẽ khó ra hoa, hoa nhanh tàn và tạo một màu xanh tươi như mong muốn. Dưới đây là một số kiến thức chăm sóc bạn có thể tham khảo


1. Cắt tỉa thường xuyên

Cắt bỏ lá úa, hư, cành hoa nhỏ hoặc héo rũ để cành lá trông xanh mượt và tràn đầy sức sống. Cách này không chỉ làm không gian thoáng đãng mà còn giúp tập trung chất dinh dưỡng nuôi các cành khác, tạo điều kiện cây sinh trưởng tốt hơn. 

Cắt tỉa thường xuyên còn giúp hạn chế muỗi, côn trùng ẩn nấp trong những chậu cây. Nhờ vậy, sức khoẻ của gia đình bạn cũng được đảm bảo

2. Chọn nơi nhiều ánh sáng

Ánh sáng mặt trời là yếu tố đầu tiên để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. 

Vì vậy đặt cây, hay trồng cây ở đâu cần chọn những vị trí thoáng đãng, gió mát và đón nhiều ánh nắng mặt trời để cây xanh có thể quang hợp. Khi ấy, cây mới sinh trưởng tốt, xanh um và khoẻ mạnh.

 Hơn nữa, ánh sáng mặt trời còn phát huy tối đa khả năng tạo diệp lục của cây, làm trong lành bầu không khí xung quanh nhà.

3. Đất tốt

Cách đơn giản giúp bạn chọn loại đất tốt là dùng tay bóp một chút. Nếu thấy tơi xếp, mịn màng là loại tốt. Nếu trồng trong chậu, nên lót bên dưới chút đất bột xơ dừa rồi đến đất thịt. Sau đó, phủ tiếp một lớp đất xơ dừa ở trên cùng. Như thế, chậu cây vừa sạch sẽ, vừa không úng nước. 

Trường hợp trồng trong vườn, bạn cũng phủ một lớp đất xơ dừa lên trên cùng để giữ ẩm cho đất. Chúng sẽ giúp cây tươi tốt hơn.

4. Chọn vị trí đặt chậu cây cảnh

Để không gian hài hòa và không đơn điệu, cần bố trí hợp lý là chậu cao đặt bên trong, còn chậu thấp đặt bên ngoài, hoa thấp xen với cây bụi thấp, hoa cao để chung với cây thân cao. Như vậy, cây lớn sẽ không che hết nắng của cây nhỏ.

 Những chậu hoa bé hơn nữa, bạn nên đặt trên những tảng đá cảnh cao. Cách này vừa tạo nét khác lạ, vừa dễ chăm sóc và tránh bị úng nước, làm cây chết.


5. Sử dụng phân bón đúng lúc

Không nên bón phân thúc ra hoa hoặc làm xanh lá quá thường xuyên cho hoa cảnh. Nếu không đủ kiến thức, việc lạm dụng này có nguy cơ tạo ra hiệu quả ngược. Cây héo lá và chết là điều khó tránh khỏi. Tốt nhất, nên bón một hoặc hai lần/tháng. 

Chọn đúng loại phân và bón cách gốc khoảng 10cm. Tưới đẫm nước sau khi bón để hoà tan đều trong đất, giúp rễ dễ dàng hấp thu. Sau khi bón, nên để chậu nơi thông thoáng, tránh tầm tay trẻ em. Nếu làm trong vườn, nên bón vào buổi sáng, tránh lúc trưa nắng gắt.

6. Chọn chậu trồng

Màu sắc, kiểu dáng  tuỳ thuộc vào mục đích, vị trí đặt chậu. Nhưng kích cỡ tuỳ thuộc vào loại cây bạn trồng. Chậu quá to so với cây sẽ dẫn đến tình trạng úng nước hoặc phân bón không phát huy tác dụng.

 Loại quá bé sẽ không đủ chỗ cho rễ phát triển. Cây có thể chết do không sinh trưởng hoặc rễ phát triển và đâm mạnh, gây nứt, vỡ bình. 

TH.



Read More

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

E visa Vietnam

Mê mẩn ngắm vườn hoa Tết ở Sơn La của mẹ trẻ 9X người Thái


Được mẹ chồng “truyền lửa” qua việc chăm sóc vài chậu hoa lúc đầu, chị Hà Thị Quyết, tổ 2, phường Chiềng Cơi (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) đã đam mê, yêu thích vẻ đẹp của hoa lúc nào chẳng hay. Niềm đam mê đó đã thôi thúc mẹ trẻ 9x người Thái sưu tầm, mở rộng vườn hoa của mình. Hiện ngưởi mẹ trẻ này sở hữu vườn hoa đẹp có một không hai ở Sơn La, doanh thu mỗi năm lên đến cả tỷ đồng.
    

Yêu hoa nhờ mẹ chồng truyền lửa

Đến thăm vườn hoa ở tổ 2, phường Chiềng Cơi (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lung linh của muôn loài hoa đang đua nhau khoe sắc, tỏa hương thơm ngào ngạt. Chủ nhân của vườn hoa này còn khá trẻ và xinh xắn. Chị là Hà Thị Quyết, sinh năm 1990, dân tộc Thái ở tổ 2, phường Chiềng Cơi.

Vào những ngày cận tết nguyên đán, vườn hoa đẹp của chị Quyết tấp nấp khách ra, vào mua hoa
Theo chị Quyết thì chị đến với hoa, đam mê, yêu thích hoa hoàn toàn là nhờ mẹ chồng vun đắp, truyền cảm hứng. Chị Quyết từng là sinh viên ưu tú khoa ngữ văn, trường Đại học sư phạm Tây Bắc. Sau khi học xong Đại học, chị nộp đơn xin việc nhiều nơi mà không thành. Nghĩ mình không có duyên làm giáo viên, chị Quyết bỏ ý định xin vào nhà nước và chấp nhận làm nghề tự do...

“Tuy là phận má hồng nhưng trước đây, tôi không có ấn tượng sâu sắc về hoa. Mẹ chồng tôi thì khác, bà rất thích hoa. Trong thời gian chăm con nhỏ, tôi thường xuyên chứng kiến bà tỉ mẩn hàng giờ đồng hồ bên những chậu hoa. Không có việc gì làm, tôi phụ mẹ chồng chăm sóc hoa mỗi sáng. Qua đó, mẹ chồng tôi đã giúp tôi hiểu thêm những đặc tính và cách “thưởng thức” vẻ đẹp của hoa. Được bà “truyền lửa” tôi đam mê hoa lúc nào không hay...” – chị Quyết nhớ lại.

Theo chị Nguyễn Thị Hội, phường Tô Hiệu (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) - khách đến mua hoa tại vườn hoa của chị Quyết, thì vườn hoa của chị Quyết không chỉ đẹp với nhiều loại hoa khác nhau mà giá cả cũng rất phải chăng. Chị Hội thường mua hoa của chị Quyết về bày ở phòng khách của gia đình.

Một thời gian sau, những chậu hoa trước sân nhà chị Quyết thi nhau đua nở. Nhiều người đi qua thấy đẹp liền rẽ vào hỏi mua hoa. Nhận thấy chơi hoa mang lại nhiều điều thú vị, vừa thỏa niềm đam mê, vừa có thu nhập nên chị Quyết quyết định kinh doanh hoa.

Thành bà chủ vườn hoa đẹp ở Sơn La

Nói là làm, chị Quyết bắt đầu tìm hiểu, sưu tầm các loại hoa đem về trồng, chăm sóc tại vườn nhà. Vườn hoa của chị ngày càng xuất hiện thêm nhiều loài hoa đẹp, hoa quý. Cho đến nay, chị Quyết đã “sở hữu” cả vườn hoa rộng chừng 3000 m2, với hàng trăm loại hoa: tỉ muội, đồng tiền, phong nữ, thược dược, dạ yến thảo, thảo ngọc đơn...

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn hoa, chỉ vào chậu hoa hồng cổ đang nở hoa chúm chím, chị Quyết vui vẻ, cho biết: Lúc đầu, vườn hoa của chị chủ yếu là hoa một mùa. Nhận thấy vẻ đơn điệu của vườn hoa, chị lại tiếp tục sưu tầm các loại hoa nở quanh năm, trong đó có hoa hồng. Chỉ tính riêng hoa hồng trong vườn nhà chị Quyết cũng có đến cả trăm loài, trong đó có những loài hồng cổ quý, hiếm như: hồng cổ Vân khôi, hồng cổ Sa Pa, hồng cổ Sơn La...

"Tôi rất mê hoa hồng cổ bởi vẻ đẹp của nó. Đều là loại hồng bụi  nhưng mỗi loài hồng cổ có sắc thái, vẻ đẹp riêng. Hồng cổ Vân khôi mang vẻ đẹp dịu dàng, với những cánh hoa ở tâm xếp cuộn xoáy hình hoa, hút hồn người thưởng lãm. Còn hồng cổ Sa Pa thì lại tượng trưng cho sự đầy đủ, trọn vẹn, tràn đầy và ngọt ngào của tình yêu đôi lứa... Khách sành chơi hoa rất thích hoa hồng cổ mặc dù giá của các loài hồng cổ cao gấp nhiều lần so với các loại hoa hồng khác... ” – chị Quyết chia sẻ.

Theo chị Quyết, trồng hoa không khó nhưng đòi hỏi phải tỉ mẩn, công phu. Vì thế nhiều người ví chăm hoa còn hơn chăm con mọn.  Muốn có những chậu hoa nở đẹp, sai bông, ngoài chăm sóc đúng kĩ thuật, thì phải dành tình yêu cho hoa...

Chia sẻ về kĩ thuật trồng, chăm sóc hoa, chị Quyết cho hay: Trước khi đưa hoa vào trồng trong chậu, mình cần phải xử lí đất sao cho tơi xốp, sau đó đem đất trộn với vôi, trấu, xơ dừa, phân chuồng hoai mục... “Ngoài đảm bảo ánh sáng phù hợp đối với từng loại hoa, tôi thường xuyên tưới nước cho hoa 2 lần/ngày, vào sáng sớm và chiều mát, giúp cho hoa sinh trưởng và phát triển tốt. Tôi thường sử dụng phân gà, phân bò đã qua xử lí để bón cho hoa, liều lượng tùy theo từng chu kì sinh trưởng của hoa...” – chị Quyết nhấn mạnh.

Từ chỗ chỉ bán hoa một mùa, đến nay, chị Quyết đã có thể cung cấp hoa quanh năm cho khách. Vào những ngày cuối năm, vườn hoa của chị luôn tấp nập khách ra, vào mua hoa để chơi trong dịp tết nguyên đán.

“Ngay từ đầu tháng 12 (âm lịch) nhiều khách đã đặt hàng trước qua điện thoại. Khách trực tiếp đến xem, lựa chọn, mua cho mình những chậu hoa ưa thích ngay tại vườn cũng rất đông, mỗi ngày có đến cả trăm người. Tôi cùng với 15 nhân công luôn tay, luôn chân cả ngày mà vẫn không kịp giao hoa cho khách. Từ ngày chuyển sang trồng, cung cấp hoa (giống và thành phẩm) cho khách, kinh tế gia đình tôi khá lên trông thấy. Doanh thu từ vườn hoa của gia đình mỗi năm lên đến cả tỷ đồng...” – chị Quyết cho hay.


Theo Dân Việt
Read More

Thứ Ba, 13 tháng 2, 2018

E visa Vietnam

“Sốt” xình xịch lan rừng khủng giá chục triệu được đại gia săn đón


 Cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 là lúc các nhà vườn ở “thủ phủ hoa lan” Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) bung hết hàng hiếm, độc, lạ ra thị trường. Đặc biệt, những giò lan rừng khủng có giá chục triệu đồng được nhiều đại gia săn lùng, đặt mua chơi Tết.
    

Những ngày cận Tết Nguyên đán, làng lan Đông La - nơi có nhiều cơ sở hoa lan lớn nhất Hà Nội tấp nập người mua kẻ bán.

Chị Bách – chủ vườn lan rừng “khủng” ở Đông La cho biết: “Nhờ có dáng “độc lạ” hoa ra đẹp mà những giỏ lan rừng có giá từ 15 – 20, thậm chí là 30 triệu đồng”. Mặc dù khá đắt đỏ nhưng đến thời điểm hiện tại, gần 100 gốc lan rừng đẹp của gia đình đều đã được các đại gia đặt mua hết.

Một gốc lan rừng được xem là đẹp phải có các yếu tố như cuống hoa phải dài, bông to, đẹp thơm và lá xanh mướt, khỏe khoắn... Giá mỗi gốc còn tùy thuộc vào từng ngọn lan, cành và màu sắc của hoa...



Theo nhà vườn, lan Đai Châu hay còn được biết đến với những cái tên Ngọc Điểm, Nghinh Xuân... là loài mà bất kỳ ai, dù mới chơi hay chuyên nghiệp đều ưa chuộng. Những gốc lan đai châu khoảng hơn 10 năm tuổi, cao hơn 2,5m, có giá 20 - 30 triệu đồng. Những gốc lan rừng trong thời gian này được chăm sóc hết sức tỉ mỉ và cẩn thận. Vì không phải gốc nào cũng ra hoa đẹp và đúng dịp.


Những loại giò lan rừng có giá vài chục triệu đồng trở lên đều là những cây khỏe, tươi tốt, có nhiều cành hoa, hương thơm quyến rũ và đặc biệt là hoa nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán.

Ngoài những gốc lan rừng “khủng” các nhà vườn cũng có những gốc lan có kích cỡ vừa phải, phù hợp với mọi nhu cầu của khách. Giá mỗi gốc lan rừng nhỏ dao động trong khoảng 7 – 8 triệu đồng.


“Nói chung, khách chơi lan rừng thường là những người đứng tuổi trở lên, vì người chơi lan chủ yếu phải biết thưởng thức và dành nhiều thời gian cho lan. Và hơn hết, đối tượng khách hàng này cũng có điều kiện kinh tế để có thể chơi”, chị Bách cho hay.


Ngoài màu trắng tím huyền thoại được ưa chuộng, lan rừng đai châu còn có nhiều màu sắc bắt mắt như đỏ tươi, vàng lửa, đỏ cam… Loài lan rừng này có thời gian chơi khoảng 20 -30 ngày, ít hơn hẳn so với nhiều giống lan lai tạo hay lan công nghiệp khác.



Theo anh Nguyễn Đăng Lĩnh - Chủ cơ sở hoa lan ở Đông La, Hà Nội cho biết: “Loài lan rừng phụ thuộc hoàn toàn nhiệt độ, thời tiết, từ phòng bệnh, phòng sương, chống rét... Chính vì vậy để có được những chậu lan ra hoa đúng dịp Tết, nhà vườn phải bỏ rất nhiều công sức chăm sóc trong khoảng thời gian dài.

Anh Lĩnh cho biết  thêm: Năm nay thời tiết nóng, lạnh bất thường nên lan rừng hoặc bị nở hoa sớm, hoặc lại ra hoa muộn không kịp chơi dịp Tết

Theo Dân Việt
Read More

Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

E visa Vietnam

Những loại hoa mang tài, rước lộc vào nhà nhất định phải trưng ngày Tết


Hoa, cây cảnh là những thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam vào dịp lễ tết. Chúng không chỉ mang không khí ấm áp của mùa xuân, không khí ngày Tết mà còn mang lại may mắn, phúc lộc, tiền tài cho gia chủ trong năm mới.

Mỗi loại hoa, loại cây cảnh đều có ý nghĩa khác nhau và phù hợp với không gian riêng nên việc lựa chọn được loại cây vừa đẹp trang trí Tết vừa hút tài lộc như ước nguyện của mình thì không phải ai cũng biết. Nếu bạn đang tìm kiếm loài hoa may mắn trong dịp Tết này thì đừng bỏ qua 7 cây hoa tuyệt đẹp dưới đây.

1. Hoa đào

Được coi là tinh hoa của ngũ hành, hoa đào là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, nhân duyên, lễ cưới. Theo phong thủy, hoa đào có thể trị bách quỷ. Chính vì vậy, trong năm mới ở các gia đình người Việt ở miền Bắc thường có bày cây hoặc cành hoa đào với mong muốn cầu xin may mắn, thuận lợi cả năm.


2. Hoa mai

Mai vàng tượng trưng cho sự phú quý, giàu sang và theo quan niệm của phong thủy khi hoa mai nở đúng lúc giao thừa hay sớm mùng một sẽ mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ đến với gia đình trong năm đó. Hoa Mai là một loài hoa đặc trưng của ngày Tết ở miền Nam.



3. Hoa cúc

Nằm trong tứ quý "tùng, cúc, trúc, mai", hoa cúc tượng trưng cho sự trường thọ, phúc lộc dồi dào. Theo phong thủy, hoa cúc mang lại may mắn, cuộc sống bình yên cho gia chủ.

Bởi vậy, đây là một trong những loại hoa không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về, có thể là một chậu hoa cúc nhỏ đặt trước nhà hoặc những bông hoa cúc trên bàn thờ tổ tiên.

4. Hoa đồng tiền

Với mong muốn cầu may, phát tài, phát lộc và thu được nhiều "tiền tài", nhiều gia đình thường trưng bày loại hoa này ở phòng khách mỗi dịp Tết đến xuân về.

Theo quan niệm phong thủy, loài hoa này có ý nghĩa mang đến nhiều sức khỏe, tuổi thọ. Với giá thành khá rẻ nên nếu bạn đang tìm kiếm một loài hoa để trưng bày trong gia đình với mức giá hợp lý thì hoa đồng tiền là lựa chọn lý tưởng.

5. Hoa đỗ quyên

Với hai màu tiêu biểu là đỏ và hồng, hoa đỗ quyên tượng trưng cho sự may mắn, phú quý và thành đạt. Hơn nữa loài hoa này rất dễ trồng, hoa xòe rộng, um tùm nên để trưng bày trong phòng khách thật là điều tuyệt vời, vừa giúp mang sắc xuân vừa có tác dụng hóa giải khí xấu, mang vượng khí đến cho gia đình.


.
6. Hoa trạng nguyên

Cây trạng nguyên là biểu tượng cho sự thành đạt, đỗ đạt trong con đường học hành. Với màu sắc đỏ thắm, cây trạng nguyên vừa mang lại hạnh phúc, may mắn vừa mang lại thành công cho các thành viên trong gia đình.

Đặc biệt, những gia đình có con cháu sắp bước vào những cuộc thi cử quan trọng đều chọn cây hoa trạng nguyện bày trong nhà với hy vọng con cháu học giỏi, đỗ đạt cao.



7. Hoa thủy tiên

Loài hoa tượng trưng cho sự may mắn, trường thọ, giàu sang phú quý, tài lộc sung túc. Theo phong thủy, hoa thủy tiên có tác dụng khử tà, mang lại cát tường, tăng thêm tài khí cho gia chủ. Chính vì vây, hoa thủy tiên được rất nhiều gia đình lựa chọn trang trí trong.


theo Trí thức trẻ
Read More