Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

E visa Vietnam

Làm giàu ở nông thôn: Đã mắt ngắm vườn hồng ngoại bạc tỷ ở đèo Vạn Lý

 Bất cứ ai “đi lạc” vào vườn hoa hồng ngoại của ông Trần Văn Nhiễm ở đèo Vạn Lý, phường Chi Lăng, TP. Lạng Sơn (Lạng Sơn) cũng đều phải thốt lên trước vẻ đẹp kiêu sa, rực rỡ đầy màu sắc của những bông hoa hồng ngoại nơi đây.

Chúng tôi đến thăm vườn hoa hồng ngoại khi ông Nhiễm và một người làm công đang lúi húi cắt tỉa cho những cây hoa hồng trong khu vườn đầy màu sắc. 

“Tôi đam mê hoa hồng từ nhỏ. Ngày bé sống ở ngôi nhà cũ chật chội nhưng tôi vẫn dành một diện tích nhỏ để trồng hoa hồng thỏa mãn đam mê. Khi chuyển nhà về đây, tôi cũng chỉ trồng hoa hồng để ngắm, nhưng nhiều người đến chơi, ngắm hoa vãn cảnh cứ hỏi mua. Tôi ban đầu đâu có khái niệm trồng hoa hồng để kinh doanh, buôn bán, đơn giản chỉ để chơi. Nhưng rồi nhiều người nài nỉ bảo tôi bán rồi anh mua cây khác về trồng đẹp hơn. Cứ như vậy tôi trở thành tay buôn hoa từ lúc nào không hay”, ông Nhiễm chuyện thủng thẳng mà dí dỏm.


Khu vườn trồng hoa hồng ngoại của ông Trần Văn Nhiễm có lối đi lại thuận tiện để khách đến ngắm hoa.

Được biết hiện nay, khu vườn của ông Nhiễm có diện tích hàng trăm m2 với 200 loại hoa hồng ngoại khác nhau đến từ Anh, Pháp, Đức, Hà Lan…trong đó nhiều cây hồng sai hoa và kháng bệnh tốt như Souer Emmanuelle, Lady of Shalott, Sharlotte, Red Eden….



Vườn trồng hồng ngoại của gia đình ông Nhiễm có hơn 200 loại khác nhau đang khoe sắc hoa rực rỡ.



Ông Trần Văn Nhiễm cho biết: "Rồi tôi bắt đầu làm nghề “buôn hồng ngoại” từ năm 2009. Kể từ đó, những bông hồng ngoại đẹp đã cuốn hút tôi. Từ việc chỉ nghĩ đơn giản là “thích thì trồng, trồng để ngắm”, tôi bắt đầu đam mê với loài hoa được mệnh danh là “nữ hoàng sắc đẹp” này. Tôi sưu tầm những giống hoa hồng lạ, giống hoa hồng của nước ngoài và cứ cuốn theo chúng. Tôi coi việc chăm sóc cho những cây hoa hồng nở hoa đẹp là niềm đam mê, là công việc thường nhật không thể thiếu hàng ngày của mình. Và từ đó, công việc chăm hoa hồng cũng là công việc mang lại nguồn thu nhập cho gia đình...".



Những cây tầm xuân được ông Trần Văn Nhiễm ghép nhiều loại hoa hồng ngoại và cho hoa nở rực rỡ nhiều màu sắc.

Trong khi mọi người bạn của ông đang dần rời xa nông nghiệp thì ông Nhiễm lại quyết định gắn bó với cái nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” này. Đối với ông đó cũng là cái duyên của mình. “Tôi đã trải qua rất nhiều công việc từ làm mỏ đá đến kinh doanh…trước khi đến với nghề “buôn hoa này”. Như là một cái duyên và tôi đã gắn bó với nó gần chục năm nay. Tôi nhận thấy rằng nếu có kiến thức cơ bản và có định hướng lâu dài thì nông nghiệp , nhất là nông nghiệp làm ra những sản phẩm phục vụ đời sống đô thị vẫn là một thế mạnh để phát triển kinh tế gia đình”, ông Nhiễm tâm sự

Chăm hoa như chăm con

Để có được thành công như ngày hôm nay, làm ông chủ của vườn hồng ngoại khiến nhiều người phải trầm trồ ngưỡng mộ thì ông Nhiễm cũng đã trải qua không ít khó khăn khi mới bắt đầu. “Rất khó để nhận định trồng hoa hồng khó hay dễ vì một khi đã đam mê thực sự thì người trồng sẽ cảm thấy dễ dàng và coi công việc như một niềm vui riêng. Nhưng một khi đã là sự gượng ép, nóng vội vì tiền thì rất khó để kiên trì đi đến thành công. 

Ban đầu mới làm tôi cũng từng thất bại, hơn trăm cây hoa hồng ngoại bị chết do phun tưới phân chưa hợp lý. Sau khi chăm chỉ tìm hiểu đặc tính của hoa hồng để có chế độ dinh dưỡng phù hợp, mọi khó khăn đã đi qua. Cũng chính lòng đam mê đã làm tôi không nản chí mà tiếp tục gắn bó với nghề. Giờ đây mỗi sáng sớm ra vườn ngắm nhìn những “đứa con” là cảm thấy yêu đời thư thái, nhẹ nhàng tâm hồn biết bao.


Chăm hoa hồng giờ đây với ông Trần Văn Nhiễm đó là công việc thường nhật, hiển nhiên vì nó là niềm đam mê, là những "đứa con" của ông.

Theo ông Nhiễm, do khí hậu miền Bắc nước ta nóng ẩm thất thường nên hoa hồng ngoại rất khó phát triển. Nếu không có kỹ thuật và cách chăm sóc hợp lí, cây sẽ chết. Chia sẻ về cách trồng hồng sai hoa , ít sâu bệnh, ông Nhiễm cho biết, tùy theo từng vùng miền khí hậu khác nhau mà cây hồng có cách chăm khác nhau. Tuy nhiên, để quyết định cho sự phát triển của cây hoa hồng trồng trong chậu thì điều đầu tiên là giá thể phải thật thông thoáng không giữ nước nhiều.



Tại vườn nhà ông Nhiễm hiện nay có nhiều loại hồng ngoại quý. Khách trực tiếp đến vườn chọn, nếu ưng thì ông bán.


Ông Trần Văn Nhiễm cho biết, giá hoa hồng thì tùy vào từng giống hoa, từng kích cỡ nhưng dao động từ  1 triệu-  10 riệu đồng/cây.

Hiện nay với vườn hồng ngoại hơn 2.000 cây, ông Nhiễm đang dùng đất trồng gồm có xơ dừa, phân bò, phân trâu, phân dơi, trấu và một số loại phân ủ với nấm đối kháng cho đến khi hoai mục mới đem sử dụng. Hàng ngày ông tất bật với công việc cắt tỉa cành hoa hồng cho thoáng để ít có sâu bệnh. Vì theo ông: “Do khí hậu nên hồng ngoại hay bị sâu bệnh, vì vậy cần phun thuốc thường xuyên và cắt tỉa cành cho thoáng. Đồng thời cần pha phân dơi theo tỷ lệ phù hợp để tưới mỗi tuần/lần bổ sung dinh dưỡng cho cây”.



Một mình chăm không xuể cho vườn hoa hồng ngoại nên ông Trần Văn Nhiễm phải thuê thêm một người làm để cắt tỉa và chăm hoa.

Vườn hồng của ông Nhiễm hiện nay là địa chỉ tin cậy mà nhiều ông chồng đến mua hoa tặng vợ vào mỗi dịp lễ. Là địa điểm ngắm hoa và check in miễn phí của hội các chị em phụ nữ cũng như nam thanh nữ tú trong vùng. Chính vườn hồng ngoại này đã đem lại cho gia đình ông Nhiễm thu nhập hàng trăm triệu/năm. Ngoài “buôn hồng ngoại” ông Trần Văn Nhiễm còn trồng đào thất thốn với diện tích 5 sào cho thu nhập cao hàng năm...

Theo Dân Việt
Read More
E visa Vietnam

Cách chăm sóc lan cẩm cù lá tim


Cây lan cẩm cù lá tim là loại hoa đẹp và rất dễ chăm sóc. Để cây phát triển tốt và sai hoa bạn có thể tham khảo một số kiến thwucs sau:



1. Điều kiện tự nhiên

Thích hợp với ánh sáng tán xạ khoảng 50-60% độ sáng trực tiếp của ánh nắng mặt trời.

2. Đất trồng: 

Tro trấu, xơ hay mùn dừa, gỗ mục, hỗn hợp đất trồng cây bán sẵn, gạch vụn, đá bọt, đá non, đá perlite, phân bò khô… trộn với tỷ lệ thích hợp sao cho chất trồng tơi xốp và thoáng khí.




3. Chăm sóc

- Tưới nước: Cây lan cầm cù lá tim là loài thực vật ưu ẩm độ cao, cây có thể chịu khô rất tốt nhưng cây rất nhạy cảm với việc tưới nước quá nhiều. Trong điều kiện bình thường, cây trồng trong chậu với lượng chất trồng vừa phải nên tưới mỗi tuần từ 1 đến 2 lần là đủ tùy mùa.

Nếu trồng ngoài trời, không nên tưới nước vào mùa mưa vì có thể làm cho cây úng và chết. Nên tưới nước khi chất trồng vừa khô, có thể tưới cho nước chảy ra ngoài theo lỗ thoát của chậu nhưng đảm bảo nước sẽ không đem theo cả chất trồng ra ngoài.

- Bón phân: Cây lan cầm cù lá tim không cần bón phân nhiều vì nếu chất trồng đủ dinh dưỡng đã đảm bảo cho cây phát triển lâu dài và ổn định. Tốt nhất chỉ nên tưới phân qua lá, khoảng 1-2 lần mỗi tháng.

Nếu ta thay chậu, không nên bón phân trong vòng 20 ngày sau đó cho tới khi cây ổn định và phát triển bình thường. Nếu dùng phân bón nhiều quá sẽ làm cho cây không trổ hoa. Trường hợp bạn muốn lấy lá để tạo ra những cây mới từ lá trái tim thì đương nhiên phải tăng cường phân bón.

4. Sâu bệnh

Cẩm cù lá trái tim ít bị các loại sâu hại tấn công, sâu hại phổ biến là rệp sáp, rệp phấn trắng, rệp vàng.

Khi cây bị nhiễm rệp, có thể dùng các loại thuốc đặc trị và phun thẳng lên lá theo nồng độ hướng dẫn.

TH.
Read More

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

E visa Vietnam

Kinh nghiệm trước khi trồng lan vào chậu

Để  lan con, hay lan mới phát triển tốt trước khi trồng vào giá thể bạn có thể tham khảo một số kiến thức sau

1. Vệ sinh cho cây

Làm sạch các chất trồng trước đó dính vào rễ lan, loại bỏ những rễ lá héo úa, bị thối ra khỏi cây. 

Điều này giúp cây phát triển nhanh, đảm bảo tính thẩm mỹ của cây.

Đối với những cây lan  rừng được mua về, do được khai thác từ vách núi, thân cây nên khó tránh khỏi tình trạng đứt rễ.  Vì vậy, trước khi đem trồng vào chậu cần rửa rễ lan sạch sẽ, khi trồng bạn cũng cần kiểm soát lượng nước tưới phù hợp để tránh thừa nước dẫn đến thối, úng rễ lan nhé.

2. Khử trùng

Sau khi vệ sinh phần rễ lan đã cơ bản sạch sẽ thì  chuyển sang khâu khử trùng, tiêu diệt các mầm bệnh còn bám ở rễ lan. 

Bước này rất quan trọng, bởi nếu bạn mang cả mầm bệnh đem trồng vào chậu thì khi bệnh phát triển mạnh sẽ rất khó để khắc phục. 

Thông thường theo kinh nghiệm của các nhà vườn, việc xử lý cây cần các loại thuốc sau pha với 20 lít nước sạch:

Thuốc Ridomil GOLD trị nấm (1 gói 100gr); Regent (1 gói) trị kiến và các loại côn trùng có hại khác

B1 (100ml)  và N3M (50gr) kích thích ra ra rễ và chống sốc cho cây 

Sau khi pha sẽ ngâm cả cây lan vào trong đó để thuốc được phủ và ngấm đều vào cây, cây được ngâm trong thời gian từ 15-20 phút là được.

3. Phơi rễ lan

Sau khi đã tiến hành vệ sinh, khử trùng cẩn thận thì bạn bắt đầu phơi rễ cho cây để chúng được mềm, dai hơn, hạn chế tình trạng bị gãy cây hơn.

 Ngoài ra, phơi nắng còn có tác dụng giúp cho các vết thương trên cây được mau lành hơn, không có hiện tượng thối rễ cũng như tăng khả năng sống sót khi trồng vào chậu.

Về cách phơi: bạn đem cây ngâm vào dung dịch diệt khuẩn và rửa lại với nước sạch rồi đem đi phơi nắng. Lưu ý, phải dùng bạc để che chắn cho lá lan, nếu phơi vào lúc sáng sớm thì phơi 2-3 tiếng, nếu có nắng mạnh thì chỉ cần phơi khoảng 2 tiếng là được. Trong quá trình phơi bạn nên trở mặt rễ để rễ cây đều nhận được ánh nắng nhé.

Sau khi hoàn thành bước này thì bạn có thể đem lan đi trồng vào chậu mới. Chậu cũng cần được xử lý sạch sẽ, khử trùng cẩn thận, chất trồng lan phải mới hoàn toàn, không nên dùng lại để tránh mang theo mầm bệnh gây hại cho cây lan nhé.

Theo kinh nghiệm những người trồng lan hay các nhà vườn, sau khi xử lý cây với thuốc trồng nấm và kích thích ra rễ thì cần treo ngược cây lên, để ở nơi thoáng gió, có ánh nắng buổi sáng, tránh ánh nắng mạnh lúc trưa và chiều.

TH.
Read More

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

E visa Vietnam

Không thể rời mắt trước vườn hoa lan huệ đẹp như tiên cảnh của mẹ Hà Thành


Sân vườn rộng khoảng 100m² của chị Thanh Thủy rực rỡ sắc màu của hoa lan, hoa dạ yến thảo, hoa hồng,… và đặc biệt hoa lan huệ.

Thiên đường có lẽ là địa điểm mà rất nhiều người ao ước được ngắm nhìn dù chỉ một lần nhưng đối với chị Lê Thanh Thủy (Hà Nội), chị chẳng ao ước một thiên đường xa xôi nào cả, bởi thiên đường của chị chính là khu vườn nhà với muôn loại hoa đang đua nhau khoe sắc tại khu biệt thự Hoa Sữa ở Long Biên.

Mỗi sáng thức giấc, mở cửa hít hà mùi thơm muôn loài hoa, đặc biệt hoa lan huệ, rồi tận hưởng những ánh nắng ban mai, không khí trong lành tại thiên đường của riêng mình giúp chị có động lực hơn để bước vào guồng quay của công việc đầy áp lực, mệt nhoài ngoài kia.



Chị Lê Thanh Thủy (Hà Nội).



Chị Thủy đang sở hữu khu vườn trước và sau nhà với diện tích 100m2.

Khu vườn đẹp hút hồn tại khu biệt thự Hoa Sữa, Long Biên

Chị Lê Thanh Thủy sinh sống trong khu biệt thự Hoa Sữa ở Long Biên đang sở hữu khu vườn hoa lan huệ khiến ai cũng phải trầm trồ. Mặc dù bận rộn với công việc cơ quan nhưng chị vẫn không quên dành thời gian chăm sóc những gốc cây, luống hoa trong ngôi nhà nhỏ.

Chia sẻ về "thiên đường" của mình, chị Thủy cho biết, hiện nay khoảng sân vườn ở trước và sau nhà rộng 100m2 của gia đình đang được chị tận dụng tối đa để trồng các loại hoa mà mình thích.

Tuy khó đếm hết các loại cây trong vườn nhưng những loại cây chị trồng nhiều nhất có thể kể đến là hoa lan huệ, hoa lan, hoa dạ yến thảo, hoa hồng và các loại hoa theo mùa. Bên cạnh đó, chị còn trồng cây ăn trái như mít, bưởi, cây thế bonsai: tùng, khế, ổi, hoa giấy, tường vi,… hay một số loại cây chơi lá, vườn đứng mini.



Những góc thơ mộng trong khu vườn của chị Thủy.

Sở hữu nhiều loại hoa đẹp, thế nhưng trong muôn vàn cây hoa đua nở ấy, loài hoa mà chị thích nhất lại là hoa lan huệ. Chị bảo, nếu như hoa violet, sao nháy là 2 loại hoa gắn với chị nhiều kỉ niệm tuổi thơ thì hoa lan huệ lại là loại hoa cuốn hút chị nhất thời điểm hiện tại.

Chính bởi vậy, từ năm 2012, chị bắt đầu bắt tay vào trồng củ lan huệ nội đầu tiên. Trải qua 5 năm chăm sóc, gắn bó với loài hoa này, đã có lúc khu vườn nhỏ nhà chị chật kín 300 gốc hoa lan huệ với gần 100 loại khác nhau.

"Và rồi khi ngắm hoa nở, mình cảm giác như đang được ngắm một cô gái đẹp quyến rũ, càng ngắm càng thấy cuốn hút".

“Có rất nhiều loại lan huệ mang hình dáng, màu sắc, cỡ hoa và hương thơm khác nhau, mỗi loại có tên gọi riêng khác nhau: Marilyn, Elvas, Papilio, Dancing Queen, Flamenco Queen,... loại củ nội: củ Gáo, Hồng đào, Hồng mai, Tuyết Thanh,... còn rất nhiều loại khác thật khó để kể hết."

Khi những bông lan huệ đâm chồi nụ, mình cảm thấy rất vui sướng vì được ngắm những chồi nụ lớn lên từng ngày giống như mình háo hức chờ đợi được gặp mặt và hội ngộ những người bạn sau gần 1 năm xa cách vậy.

Đặc biệt, với những mã củ mới thì càng háo hức chờ đợi ngày gặp mặt hơn với bao câu hỏi chờ được trả lời: Không biết bạn Huệ này có xinh như ảnh quảng cáo không? Màu có lên đẹp chuẩn, hoa có là loại chuẩn như mình đã chọn hay không?", chị Thủy tâm sự.




Hoa lan huệ cuốn hút với hương sắc đa dạng.

Cách trồng hoa lan huệ nở rực rỡ của mẹ Hà Thành

Ngắm nhìn khu vườn rực rỡ sắc màu của chị Thủy, nhiều người sẽ nghĩ chị đầu tư khá nhiều chi phí để xây dựng khu vườn như thiên đường này. Thế nhưng, theo chị Thủy, chi phí xây dựng khu vườn, đầu tư mua hoa lan huệ không quá tốn kém, chỉ cần đầu tư một lần.

“Chậu và củ hoa chỉ cần đầu tư một lần, mùa sau mang ra dùng được, chi phí ban đầu mình mua khoảng 200 nghìn/củ hoa ngoại, các củ hoa nội chỉ từ 50-70 nghìn/ củ tùy loại còn chậu trồng và các loại cây khác cộng lại chỉ tầm 300 nghìn/ chậu.

Để tạo những chậu lan huệ đẹp này, ngoài chi phí mua củ hoa, chậu trồng, mình thường nhặt cây cỏ có sẵn trong vườn để kết hợp bởi mình thích phong cách tự nhiên. Bên cạnh đó, mình cũng có nhiều phụ kiện khác để kết hợp nên chậu lan huệ đẹp hơn”, chị Thủy cho hay.




Hoa Huệ dễ chăm sóc, mỗi năm chỉ ra hoa một lần

Chia sẻ thêm, chị Thủy cho biết, hoa lan huệ có nhiều loại nên năm nào chị cũng nạp thêm vào bộ sưu tập của mình những loại chưa được sở hữu. Vì loài hoa này dễ chăm sóc nên theo chị, điều quan trọng nhất khi trồng chỉ cần tránh cho củ bị thối úng, lúc đó độ bền của hoa sẽ từ 5-10 ngày tùy vào thời tiết nắng nóng hay mát lạnh.

“Sau khi hết mùa hoa, mình vẫn trồng và chăm bón cho củ đủ dinh dưỡng để cho hoa mùa sau. Để củ huệ ra hoa vào dịp Tết, mình thường xử ép củ bắt đầu từ cuối tháng 8, đến giữa tháng 9 âm lịch. Một trong những công đoạn khi ép huệ ngủ đông là nhổ củ lên khỏi chậu đất, cắt lá sát cách cổ củ tầm 1cm”, chị Thủy cho biết cách ép để ra hoa đúng dịp.


Chăm sóc hoa lan huệ cần tưới, bón đúng cách cho củ phát triển đủ dinh dưỡng.

Chị kể, thời gian đầu vì chưa có kinh nghiệm nên chị đã cắt hết lá và cắt nhầm cả nụ hoa vừa nhú đi. Bao công sức chăm bẵm chỉ sơ xuất một chút đã khiến chị tiếc ngẩn tiếc ngơ, phải đến năm sau mới được ngắm hoa.

“Lan huệ là loại hoa vô cùng dễ tính nên khi trộn chất trồng, mọi người không cần cho nhiều đất, chỉ cần thoát nước và làm đất tơi xốp tránh bị úng gây thối rễ, thối củ. Để lan huệ ra hoa đẹp, mọi người cần chăm sóc, tưới, bón đúng cách cho củ hoa phát triển đủ dinh dưỡng để cho ra những bông huệ khỏe, đẹp, chuẩn trong mùa sau.

Ngoài ra, để có những bông hoa đẹp, mọi người cũng cần chú ý tạo điều kiện phát triển bộ rễ cho những củ mới.

Thời tiết cũng quan trọng, có thể ảnh hưởng đến màu sắc, độ bền của hoa, nếu thời tiết nắng nóng quá làm hoa biến màu, nhanh tàn. Còn củ hoa yếu sẽ làm bông hoa bị biến dạng, không chuẩn form”, chị Thủy tư vấn cách chăm sóc hoa lan huệ.


Thời tiết có thể ảnh hưởng đến màu sắc, độ bền của hoa.

Chị Thủy cho biết, chị thích hoa lan huệ chỉ đơn giản vì vẻ đẹp cuốn hút, quyến rũ, hương sắc đa dạng và đặc biệt dễ chăm sóc. Và sự cuốn hút của loài hoa này khiến chị phải lòng lúc nào không hay, luôn cảm thấy nhớ nhung chúng.


Củ hoa yếu sẽ làm bông hoa bị biến dạng, không chuẩn form.



Để có những bông hoa đẹp, mọi người cũng cần chú ý tạo điều kiện phát triển bộ rễ cho những củ mới.
Khu vườn nhà chị không chỉ tràn đầy sắc màu của hoa lan huệ mà còn tràn ngập sắc màu của hoa hồng, dạ yến thảo, hoa lan...

Theo Eva
Read More

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

E visa Vietnam

Cách chăm sóc lan thân thòng

Lan thân thòng: Phi điệp, Hạc vỹ, Long tu, Trầm, Giả hạc pháp, Giả hạc hawai, đùi gà... Để có giò lan thân thòng đẹp, trong đó có lan phi điệp bạn có thể tham khảo một số kiến thức sau


1. Ánh sáng

Lan cần nhiều ánh sáng gần như có thể để ở ngoài trời, nhưng cần phải có lưới che phòng khi lá non bị cháy nắng. 

Khi thấy cây quặt quẹo, đó là dấu hiệu thiếu nắng. 

Hãy đưa cây ra chỗ có nhiều nắng hơn. Nhất là vào mùa đông, nếu thiếu nắng cây khó lòng ra hoa.

2. Nhiệt độ

Lan cần nuôi trong nhiệt độ từ 8-25°C. Tuy nhiên lan có thể chịu nóng tới 38°C và có thể chịu lạnh tới  3.3°C.

Ngoài ra nếu vào mùa đông không lạnh dưới  15.6°C trong vòng 4-6 tuần lan sẽ khó lòng ra nụ.

3. Ẩm độ và thoáng gió

Lan mọc mạnh nếu ẩm độ cần phải từ 60-70%. Nếu quá thấp cây non sẽ không lớn được và bị teo đi.
Cây cũng không mọc mạnh nếu không thoáng gió và trong thời kỳ lan ra nụ nếu không thoáng gió nụ sẽ ít đi.

4.Vật liệu trồng và chậu

Nên trồng với những vật liệu lâu mục và dễ thoát nước như vỏ thông, vỏ dừa, đá v.v…nhưng tốt hơn cả là trồng dớn, trong chậu gỗ và treo lên bởi vì cây cần thoáng gió và thoáng gốc.

Lan ưa trồng trong chậu chật hẹp cho nên đừng dùng chậu quá lớn.

5. Tưới nước

Mùa hè thu lan vào độ phát triển mọc mạnh, tưới 2 lần một ngày và cho ăn nắng. Vào cuối thu đầu đông, khi cây đã ngừng tăng trưởng, nên tưới nước thưa đi. Mỗi tuần chỉ cần tưới 1 lần cho thân cây khỏi bị teo lại. 

Vào mùa đông, đây là thời gian lan chuẩn bị để ra hoa, ngưng hẳn việc tưới nước. Nếu ẩm độ quá thấp nên phun sương mỗi tháng 1-2 lần.

6.Bón phân

Lan không ưa phân bón có nhiễu chất Nitrogen cho nên bón với phân 15-15-15 cho đến tháng 9, từ tháng 9-10 và 11 bón với phân 10-30-10. 

Từ tháng 12 cho đến hết tháng giêng ngưng hẳn việc bón phân. Nếu tiếp tục bón hoặc phân bón có nhiều chất Nitrogen quá, cây sẽ ra cây con (keiki) thay vì ra nụ.

7.Phòng bệnh

Phun phòng bằng nước vôi trong, 1 cục to bằng ngón tay cái cho vào 1,5l, vôi tôi xong chờ nước trong thì lấy phần nc trg ấy phun vào giá thể lan, 1 tháng 2 lần, có thể phun phòng bệnh bằng starner(chuyên cho thân thòng), rẻ hơn thì ridomil gold (50k/bịch)

Phun nước vôi trong cây sẽ cứng cáp và ko bị thối nhũn thối mềm vì vôi có canxi, đồng thời vôi có khả năng diệt khuẩn nên phòng rất tốt, ridolmild gold thì phòng nấm chống thối nhũn, starner thì chuyên diệt khuẩn, starner ko hại cho thân thòng

Lưu ý: sau 2 tiếng thì xịt lại bằng nước trắng nhé các bạn

8.Ghép lan, thay chậu, tách nhánh


Thời gian ghép lan thuận tiện nhất là vào mùa đông khi cây đã rụng lá và vào mùa nghỉ.

Thời gian thay chậu tách nhách tốt nhất vào mùa xuân khi cây non đã mọc cao chừng 10-15 cm. Nếu muốn tách nhánh, cây phải có chừng 7-8 cành. Nếu chỉ có 4-5 cành, cây non mới mọc sẽ yếu ớt và không ra hoa. 

Phi điệp có mùa nghỉ,Mùa xuân là mùa nảy mầm,mùa hạ thu là mùa phát triển và mùa đông là mùa nghỉ,căn cứ vào từng giai đoạn mà chăm sóc thôi.ví dụ mùa phát triển thì cần chăm sóc tối đa,Mùa xuân hạ có thể bón phân tăng trưởng (30-10-10) chẳng hạn,mùa thu bón hội tụ hoa như 20-20-20.Khi lan thắt ngọn và lá vàng thì dừng các loại phân và chế độ tưới giảm dần,khi rụng lá thì việc chăm sóc tưới tắm coi như stop.chỉ khi nào kiểm tra thấy thân nhăn nheo thì mới tưới còn thân vẫn tròn căng thì thôi.

Cuối thu đầu đông thân sẽ rụng lá và sẽ ra hoa hoặc kie. Chăm nhiều độ ẩm cao vào kỳ nghỉ thì sẽ ra nhiều kie, ăn nắng nhiều sẽ ra hoa

TH.
Read More

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

E visa Vietnam

Kiếm trăm triệu mỗi năm nhờ kỹ thuật nhân giống hoa hồng ngoại

Trên mảnh vườn cạnh nhà, rộng hơn 100 m2, anh Ngọ Doãn Hùng, 31 tuổi, ở thôn 4 (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) mua giống hồng ngoại, hồng cổ về trồng. Tự mầy mò, nghiên cứu, sau một thời gian ngắn, anh Hùng đã nhân giống hồng ngoại, hồng cổ thành công. Mỗi năm bán ra thị trường từ 700 – 1.000 cây hoa, anh Hùng kiếm cả trăm triệu đồng.
    
Rời quê hương Thanh Hóa lên Sơn La lập nghiệp từ năm 2014, vốn có niềm đam mê hoa từ trước cộng với thực tế khí hậu nơi đây mát mẻ, phù hợp với trồng hoa nên anh Hùng quyết định lựa chọn trồng hoa hồng để khởi nghiệp trên vùng quê mới.



Trong vườn nhà anh Hùng có hơn 60 loại hồng ngoại và nhiều giống hồng cổ quý hiếm

Anh Hùng cho biết: Ban đầu, tôi phải nhập giống hồng ngoại từ Trung Quốc về trồng, chăm sóc, với giá cắt cổ là 100.000 đồng/cây. "Cầm cây giống bé tí như chiếc đũa ăn cơm trên tay mà tôi thấy đắt đến xót cả ruột. Khi đó, tôi nghĩ ngay đến việc, nếu mình nhân được giống thì sẽ giảm được nhiều chi phí, bán ra thị trường giá cũng “mềm” hơn, thu hút được nhiều khách hàng hơn". Thế rồi, qua công việc chăm hoa hàng ngày cộng với sự nỗ lực tìm hiểu qua sách, báo, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tôi đã nắm được kĩ thuật nhân giống hồng ngoại bằng phương pháp chiết cành...


Những cây hồng ngoại, hồng cổ nở hoa rực rỡ với nhiều màu sắc, khiến ai đi ngang qua cũng trầm trồ khen ngợi

“Lúc đầu, tôi nhập hơn 100 gốc giống hồng ngoại về trồng thử nghiệm, rồi loại dần những giống không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Sơn La. Hiện nay, trong vườn nhà tôi có hơn 60 giống hồng ngoại và một số loại hồng cổ, quý hiếm phát triển tốt, nở hoa đẹp. Tôi chỉ nhập giống 2 lần với số lượng lớn, sau đó tự nhân giống để trồng, chăm sóc rồi bán cho khách yêu hoa....” – anh Hùng cho hay.


Anh Hùng chuẩn bị gửi những cây hoa đẹp cho khách đặt mua

Theo anh Hùng, giống hồng ngoại mà anh nhập về đều là giống nguyên bản. Khi chiết cành, anh chọn những cành khỏe, đẹp, rồi cắt một lớp vỏ xung quanh cành cần chiết, cạo sạch phần dây màu xanh. Khoảng 5 ngày sau, anh tiến hành bó bầu. “Tôi thường lấy rễ bèo trộn với đất và một ít thuốc để làm giá thể bó bầu. Sau khi bó bầu từ 15 – 30 ngày thì cắt xuống trồng. Cây giống được trồng trong chậu là tốt nhất vì có thể kiểm soát được lượng nước tưới hàng ngày. Trước khi trồng phải làm đất tơi xốp, xử lí bằng vôi bột, rồi chọn lúc thời tiết mát mẻ để trồng. Để tỉ lệ cây sống đạt cao cần phải rắc một ít thuốc trị nấm vào giá thể trồng hồng ngoại...” – anh Hùng thông tin.



Hiện trong vườn nhà anh Hùng có hàng trăm cây hoa lớn nhỏ, có giá trị từ 200.000 - 15 triệu đồng/cây

Chia sẻ kỹ thuật trồng hồng ngoại, hồng cổ, anh Hùng vui vẻ nói: Tùy theo độ tuổi của cây hồng mà lựa chọn giá thể cho phù hợp. Đối với cây to, giá thể trồng tốt nhất là: đất đồi, phân gà ủ mục, trấu, sơ dừa trộn đều với nhau theo tit lệ nhất định. Còn với giá thể nhân giống thì phải sử dụng đất đồi trộn với cát non, phân chuồng ủ mục... để trồng thì cây mới phát triển tốt.

Anh Hùng cho biết, khách hàng mua hoa của anh đến từ nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc

“Khoảng cách giữa các cây, các chậu hoa phải hợp lí, đảm bảo độ thoáng mát cho cây hoa sinh trưởng, phát triển tốt. Tùy theo chu kì phát triển của cây hồng mà điều chỉnh lượng phân bón hợp lí. Sau mỗi lứa hoa, tôi thường dùng phân NPK đầu trâu để bón bổ sung cho cây. Khi những cây hồng ra nụ thì tôi cho chúng “ăn” ít ka li để hoa to, đẹp...” – anh Hùng bảo vậy.

Theo Dân Việt
Read More
E visa Vietnam

Kỹ thuật trồng cà chua leo giàn bạch tuộc F1



Cà chua leo giàn bạch tuộc là loại cà chua thích hợp khí hậu ấm áp , ưa ánh sáng và chịu nóng , kháng bệnh tốt , đặc biệt cây cần rất nhiều dinh dưỡng. Là loại cà chua hữu hạn , cây có thể sống được đến 2 năm và cho nhiều đợt quả. 



Trong điều kiện chăm sóc tối ưu cây, 1 gốc cà chua mọc thành giàn lớn che phủ diện tích rộng 50m2 , thu hoạch được trên 14 000 quả = 1,5 tấn (số liệu thu được tại triển lãm EXPO nhật bản, trồng bằng phương pháp thủy canh và bằng các diều kiện tối ưu nhất ) . Nếu trồng ở điều kiện đất thường , cây có thể cao từ 2-4m , giàn rộng khoảng 30 m2 ...

Có 3 loại cà chua leo giàn: _cà chua leo giàn quả to ( quả từ 100-160g), cà chua leo giàn cherry ( 15-20g), cà chua leo giàn quả nhót ( loại tròn dài )

Trong đó cà chua leo giàn quả nhót có năng suất cao và kháng bệnh khỏe nhất 

Cách gieo hạt và chăm sóc :

1. Đất trồng cây :

- Nếu đất sử dụng lại , chúng ta nên đập nhỏ đất , loại bỏ sỏi đá , trộn với vôi bột và phơi nắng khoảng 1 tuần ,đất có thể là đất phù sa , đất mùn hoặc đất cát pha thịt ; sau đó trộn với 1 ít tro + phân trùn quế + xơ dừa mịn + trấu hun + phân chuồng hoai mục ( các loại phân gà , phân bò đã qua xuer lí và ủ mục )

- Xịt dung dịch nấm đối kháng trichoderma bacillus dạng nước vào đất ( dạng nước là hiệu quả nhất ) để phòng bệnh nấm mốc và thối rễ ở cây cà chua.

2. Cách gieo hạt :

- Ngâm hạt giống cà chua bạch tuộc trong nước ấm 30 độ khoảng 4 h đồng hồ (nước ấm theo tỉ lệ 2 nóng : 3 lạnh , sờ âm ấm tay như nước tắm là được ), sau đó vớt ra rửa sạch hạt cà chua 

- Có 2 cách gieo hạt

+  Cách 1 : sau khi ngâm hạt , vớt hạt ra rửa sạch rồi ủ vào khăn ẩm hoặc bông gòn ẩm , chờ đến khi hạt nứt nanh thì gắp bỏ vào bầu ươm , lưu ý trong quá trình ủ hạt nếu thấy khăn khô thì xịt ẩm khăn ( mọi người nhớ ẩm thôi nhé, đừng để khăn hoặc bông gòn ướt sũng.

+ Cách 2 : sau khi ngâm hạt và rửa sạch , ủ hạt trong khăn ẩm 3 tiếng , sau đó đem gieo vào đất trong bầu ươm , phủ 1 lớp đất mỏng lên , đủ để che hạt thôi nhé, phủ dày quá hạt sẽ khó nảy mầm. Trong quá trình ươm, nếu thấy đất có dấu hiệu khô cần xịt ẩm bầu ươm .

- Nên tiến hành gieo hạt vào buổi chiều mát 

- Để bầu ươm nơi bóng râm và thoáng mát , sau khi hạt nảy mầm cần để bầu ươm nơi ánh sáng nhẹ để cây quanh hợp phát triển , ánh sáng tốt nhất cho cây con là ánh sáng buổi sáng sớm , tránh ánh sáng gay gắt buổi trưa . Thời gian nảy mầm : 4-7 ngày , tỉ lệ > 80%.

3. Cách trồng cây và chăm sóc


Khi cây con được khoảng 20-25 ngày , chúng ta bắt đầu chuyển cây ra ngày đất , chôn cây sâu xuống đất , lá đầu tiên cách mặt đất 2cm ( ko chôn lá cây cà chua vào đất ), tiến hành trồng vào buổi chiều mát.

- Nếu trồng vào chậu hoặc thùng thì thùng phải có dung tích 200l trở lên , chậu ( thùng ) phải thoát nước tốt , có đục lỗ thoát nước 2 bên và phía dưới , kê gạch phía dưới thùng.

- Làm giàn để nâng đỡ cây.


- Trong quá trình trồng , thường xuyên vun gốc cho cây , phun trichoderma bacillus để phòng ngừa bệnh , phát hiện cây bệnh phải cứu chữa kịp thời , t có thể tự làm dd gồm ớt + tỏi + gừng + rượu giã nhuyễn để diệt sâu bệnh cho cây . 

- Bón lót các loại phân hữu cơ đã qua xử lí cùng với tro bếp cho cây thường xuyên , 15 ngày / 1 lần , phủ trên bề mặt đất xung quanh đất trấu tươi để làm mát bộ rễ của cây trong những ngày nắng nóng.
 
- Khi cây sắp ra hoa t bổ sung thêm phân vi lượng Ca, Bo, P,... để cây đậu quả cao và ko bị rụng quả non , trong giai đoạn này , cần tỉa bớt lá già và cành phụ ở dưới gốc cây . buổi sáng rụng nhẹ cây để cây thụ phấn.

-  Nên tưới nước vào buổi sáng sơm và chiều mát , chú ý tránh tưới vào hoa và quả của cây.

Sau 3 tháng , bắt đầu thu hoạch quả , sau khi thu hoạch cần bón thêm phân NPK để bổ sung dd để cay ra đợt quả mới ; quá trình chăm sóc lặp lại giống như trên .

Một chút nhiệt tình , 1 chút kiễn nhẫn, đam mê và tình yêu cây cỏ sẽ mang lại cho chúng ta những trái ngọt ! 

Chúc mọi người thành công !


TH.
Read More

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

E visa Vietnam

Nếu chưa từng lấy vỏ chuối lau lá cây thì hãy thử một lần, bạn sẽ tiếc nuối sao không biết mẹo này sớm hơn


Mới đây, vỏ chuối còn được phát hiện ra rằng nếu dùng để lau lá cây sẽ mang đến công dụng rất tuyệt vời. Bạn hãy nhìn những bức ảnh sau đây sẽ thấy rõ.

Dường như tất cả mọi người đều tấm tắc khen ngợi công dụng chữa bệnh tuyệt vời của vỏ chuối. Bộ phận của quả chuối tưởng như chỉ có vứt bỏ đi này lại có thể ức chế sự sinh sôi của nấm và vi khuẩn, có tác dụng kháng viêm, chữa viêm loét, hỗ trợ điều trị cao huyết áp, chăm sóc răng miệng, hỗ trợ trị nứt nẻ tay chân.

Sau này, khi vỏ chuối được tận dụng triệt để, nhiều người lại phát hiện ra rằng vỏ chuối cực kì tốt đối với cây trồng. Thay vì bỏ tiền để mua phân bón hóa học hay các loại phân đã qua xử lý khác, người ta đã tận dụng ngay vỏ chuối để làm phân bón cho cây. Theo các chuyên gia, vỏ chuối cung cấp phốt pho và kali cho cây. Chỉ cần trộn vỏ chuối, vỏ trứng, bã cà phê lại với nhau và xay nhuyễn rồi bón cho cây, cây trồng của sẽ luôn tươi tốt.

Mới đây, vỏ chuối còn được phát hiện ra rằng nếu dùng để lau lá cây sẽ mang đến công dụng rất tuyệt vời. Bạn hãy nhìn những bức ảnh sau đây:



Lá trước khi lau bằng vỏ chuối. (Ảnh: apartmenttherapy)


Lau lá cây bằng vỏ chuối. (Ảnh: apartmenttherapy)


Lá cây sau khi lau bằng vỏ chuối. (Ảnh: apartmenttherapy)


Vỏ chuối đã lấy hết chất bẩn từ lá cây. (Ảnh: apartmenttherapy)


Sau khi lau, hãy cắt nhỏ vỏ chuối dùng làm phân bón cho cây. (Ảnh: apartmenttherapy)

Rõ ràng, bạn có thể dễ dàng nhận ra lá cây sau khi được lau bằng vỏ chuối đã rất sáng bóng, mang đến vẻ tươi tốt, bắt mắt cho cây trồng. Đó chính là tác dụng tuyệt vời của việc lau vỏ chuối lên lá cây đấy. Ngoài ra, bạn còn có thể dùng vỏ chuối để làm một loại “nước thần” mang đến sự tươi tốt cho cây trồng nữa. Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:

- Vỏ chuối phơi khô, xay nhuyễn

- Vỏ trứng xay nhuyễn

- Muối

Cách thực hiện: Trộn thật đều 2 muỗng canh vỏ chuối khô với 1 muỗng canh vỏ trứng và ít muối. Sau đó, cho hỗn hợp vào bình xịt cùng với nước rồi lắc đều lên. Giờ đây, bạn có thể sử dụng hỗn hợp này để phun trực tiếp lên lá cây rồi đấy. Chỉ một thời gian thôi là bạn sẽ có được những chậu cây tươi tốt, xanh um mát mắt rồi.

Giờ thì nhớ giữ vỏ chuối lại sau mỗi lần ăn bạn nhé.

Theo Afamily
Read More

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

E visa Vietnam

Những chậu hoa lạ trên sân thượng của nữ giám đốc Hà Nội


Mọi người liên tục hỏi chị Mỹ An chỗ mua những loại cây, bình trồng hoa trong vườn.



Tới thăm nhà và công ty của chị Mỹ An (quận Tây Hồ, Hà Nội), mọi người như bước vào những công viên hoa nhỏ xinh xắn trên cao. Trước đây, chị làm việc văn phòng nên khá bận rộn, chỉ chăm cây vào buổi tối hay ngày nghỉ. Hiện nay, chị đã chuyển sang làm chủ một cơ sở thẩm mỹ nên có nhiều thời gian rảnh chăm chút cho vườn.



Ngay từ khi xây nhà, chị đã lên kế hoạch kỹ lưỡng để có những không gian hoa lá trên sân thượng. Sau khi nhờ kiến trúc sư tư vấn kết cấu, cách bố trí, chị thường có những điều chỉnh để không gian vườn thêm duyên dáng. Chị tự mình lựa chọn từng loại cây, cách sắp đặt sao cho phù hợp nhất để quanh năm vườn đều có hoa nở.



Ban đầu, người thiết kế vườn làm tiểu cảnh vuông vắn nhưng chị Mỹ An chuyển sang dạng uốn lượn mềm mại hơn. Được anh trai tặng cho chiếc bình lạ mắt, chị kết hợp với các vỏ ốc để trang trí cho khu vực này.



Trong cả hai khu vườn ở nhà và chỗ làm, chị trồng nhiều gốc hồng lớn. Ngoài ra, chị còn tìm kiếm nhiều giống hoa lạ, ít người ở Hà Nội trồng. Mới đây, cây hoa mộc lan của chị vừa trổ hàng chục bông. Trước đó, chị cũng mất công tìm mua bằng được cây hoa màu tím hồng yêu thích.



Từ năm ngoái, trong vườn nhà chị cũng trồng nhiều loại rum với màu sắc lạ mắt.



Chỉ từ hai củ hoa, gia đình trồng được cây ra tới 20 bông với màu sắc biến đổi từ hồng nhạt sang đậm.



Chị lựa chọn cẩn thận loại cây, đất trồng, tìm hiểu cách diệt trừ sâu bệnh hiệu quả và an toàn với sức khỏe người trồng.


Ngoài ra, chủ vườn cũng bỏ công tìm mua hoặc đặt làm những loại bình trồng cây có kiểu dáng lạ mắt. Khi chị chia sẻ lên mạng, rất nhiều người tìm hỏi để mua.


Ngoài vườn sân thượng, trong nhà còn bày rải rác nhiều bình hoa huệ với các màu sắc khác nhau.



Chiếc bình sành được chủ vườn đề nghị cắt một phần thành chỗ trồng hoa mười giờ Nhật.



Mái nhà được thi công chống thấm cẩn thận để trồng hoa sen, súng.

 Theo Vnexpress
Read More