Trên mảnh vườn cạnh nhà, rộng hơn 100 m2, anh Ngọ Doãn Hùng, 31 tuổi, ở thôn 4 (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) mua giống hồng ngoại, hồng cổ về trồng. Tự mầy mò, nghiên cứu, sau một thời gian ngắn, anh Hùng đã nhân giống hồng ngoại, hồng cổ thành công. Mỗi năm bán ra thị trường từ 700 – 1.000 cây hoa, anh Hùng kiếm cả trăm triệu đồng.
Rời quê hương Thanh Hóa lên Sơn La lập nghiệp từ năm 2014, vốn có niềm đam mê hoa từ trước cộng với thực tế khí hậu nơi đây mát mẻ, phù hợp với trồng hoa nên anh Hùng quyết định lựa chọn trồng hoa hồng để khởi nghiệp trên vùng quê mới.
Trong vườn nhà anh Hùng có hơn 60 loại hồng ngoại và nhiều giống hồng cổ quý hiếm
Anh Hùng cho biết: Ban đầu, tôi phải nhập giống hồng ngoại từ Trung Quốc về trồng, chăm sóc, với giá cắt cổ là 100.000 đồng/cây. "Cầm cây giống bé tí như chiếc đũa ăn cơm trên tay mà tôi thấy đắt đến xót cả ruột. Khi đó, tôi nghĩ ngay đến việc, nếu mình nhân được giống thì sẽ giảm được nhiều chi phí, bán ra thị trường giá cũng “mềm” hơn, thu hút được nhiều khách hàng hơn". Thế rồi, qua công việc chăm hoa hàng ngày cộng với sự nỗ lực tìm hiểu qua sách, báo, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tôi đã nắm được kĩ thuật nhân giống hồng ngoại bằng phương pháp chiết cành...
Những cây hồng ngoại, hồng cổ nở hoa rực rỡ với nhiều màu sắc, khiến ai đi ngang qua cũng trầm trồ khen ngợi
“Lúc đầu, tôi nhập hơn 100 gốc giống hồng ngoại về trồng thử nghiệm, rồi loại dần những giống không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Sơn La. Hiện nay, trong vườn nhà tôi có hơn 60 giống hồng ngoại và một số loại hồng cổ, quý hiếm phát triển tốt, nở hoa đẹp. Tôi chỉ nhập giống 2 lần với số lượng lớn, sau đó tự nhân giống để trồng, chăm sóc rồi bán cho khách yêu hoa....” – anh Hùng cho hay.
Anh Hùng chuẩn bị gửi những cây hoa đẹp cho khách đặt mua
Theo anh Hùng, giống hồng ngoại mà anh nhập về đều là giống nguyên bản. Khi chiết cành, anh chọn những cành khỏe, đẹp, rồi cắt một lớp vỏ xung quanh cành cần chiết, cạo sạch phần dây màu xanh. Khoảng 5 ngày sau, anh tiến hành bó bầu. “Tôi thường lấy rễ bèo trộn với đất và một ít thuốc để làm giá thể bó bầu. Sau khi bó bầu từ 15 – 30 ngày thì cắt xuống trồng. Cây giống được trồng trong chậu là tốt nhất vì có thể kiểm soát được lượng nước tưới hàng ngày. Trước khi trồng phải làm đất tơi xốp, xử lí bằng vôi bột, rồi chọn lúc thời tiết mát mẻ để trồng. Để tỉ lệ cây sống đạt cao cần phải rắc một ít thuốc trị nấm vào giá thể trồng hồng ngoại...” – anh Hùng thông tin.
Hiện trong vườn nhà anh Hùng có hàng trăm cây hoa lớn nhỏ, có giá trị từ 200.000 - 15 triệu đồng/cây
Chia sẻ kỹ thuật trồng hồng ngoại, hồng cổ, anh Hùng vui vẻ nói: Tùy theo độ tuổi của cây hồng mà lựa chọn giá thể cho phù hợp. Đối với cây to, giá thể trồng tốt nhất là: đất đồi, phân gà ủ mục, trấu, sơ dừa trộn đều với nhau theo tit lệ nhất định. Còn với giá thể nhân giống thì phải sử dụng đất đồi trộn với cát non, phân chuồng ủ mục... để trồng thì cây mới phát triển tốt.
Anh Hùng cho biết, khách hàng mua hoa của anh đến từ nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc
“Khoảng cách giữa các cây, các chậu hoa phải hợp lí, đảm bảo độ thoáng mát cho cây hoa sinh trưởng, phát triển tốt. Tùy theo chu kì phát triển của cây hồng mà điều chỉnh lượng phân bón hợp lí. Sau mỗi lứa hoa, tôi thường dùng phân NPK đầu trâu để bón bổ sung cho cây. Khi những cây hồng ra nụ thì tôi cho chúng “ăn” ít ka li để hoa to, đẹp...” – anh Hùng bảo vậy.
Theo Dân Việt