Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

E visa Vietnam

Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mai tứ quý ra hoa Tết



Hoa mai tứ quý mang ý nghĩa sự nảy nở, tươi mới, tràn đầy sức sống. Mai tứ quý ở Việt Nam cao khoảng 2-3m, cây ra hoa từ tháng 2 đến tháng 5, có trái từ tháng 4 đến tháng 6. Để mai tứ quý nở đúng dịp Tết các bạn có thể tham khảo một số kiến thức sau:





1. Đất trồng

Cây mai phát triển tốt trên đất thịt nhẹ có nhiều chất hữu cơ, đất không chua, không bị nhiễm phèn, mặn hoặc các hóa chất độc hại. 

 Theo tỷ lệ khoảng 70-80% đất và 20-30% phân hữu cơ hoai mục theo trọng lượng đất trong chậu.

2.Chọn giống và ươm cây

Chọn những hạt mai đã già, có màu đen nhánh, rụng dưới đất để làm giống. 
Ngâm hạt trong nước ấm 50 – 52 độ C (2 sôi, 3 lạnh) trong 8 – 10 giờ để kích thích hạt nhanh nẩy mầm. 

Trước khi trồng mai tứ quý trên luống đất đã được làm kỹ, có trộn thêm phân chuồng hoai mục.

Thời gian đầu chỉ tưới nước đủ ẩm cho cây.Thường xuyên xới phá váng cho cây lớn nhanh. 

Sau đó cứ 2 tháng bón thúc cho cây 1 lần bằng phân chuồng hoai mục trộn thêm 5 – 7% đạm với khối lượng 1 – 2 kg/m2. 

Thời gian chăm sóc cây giai đoạn ươm khoảng từ 6 – 8 tháng cây cao khoảng 40 – 50cm thì đem trồng vào chậu được.

3. Trồng mai tứ quý trong chậu

Nên chọn các chậu lớn, có đường kính trên 30cm để trồng.

 Đất trồng mai nên chọn các loại đất màu, đất bùn ao đã được phơi khô nỏ lâu ngày để bay hết các chất độc. Lót một lớp mỏng sỏi dưới đáy chậu cho dễ thoát nước rồi xếp các cục đất nỏ có đường kính 2 – 3cm vào có trộn thêm phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh đến khoảng 2/3 chậu, đặt cây vào giữa chậu và tiếp tục bổ sung đất nhỏ và phân cho tới gần miệng chậu. Sửa cây ngay ngắn, nện chặt và tưới nước đủ ẩm. 

Thời gian đầu nên để cây nơi có bóng râm, sau đó đưa dần ra nơi sáng và cuối cùng đưa ra nơi có nhiều ánh nắng thì mai sinh trưởng khỏe, sớm ra hoa và có màu hoa đẹp.

4. Cách chăm sóc cây mai tứ quý

Sau khi trồng khoảng 10-15 ngày, cây bắt đầu ra rễ mới, dùng phân NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu hòa loãng để tưới, lượng phân sử dụng từ 50-100 gr/10-15 lít nước, khoảng 20-30 ngày tưới 1 lần.

 Khi mai đã lớn, lượng phân bón cũng được tăng dần và khoảng cách các lần bón phân xa hơn. Loại phân bón qua đất thích hợp cho mai là NPK 20-20-15+TE hoặc NPK 16-12-8-11+TE. Lượng bón khoảng 20 -50 gr/gốc/lần bón, cách khoảng 1-2 tháng bón 1 lần.

Khi mai đã cho hoa ổn định, hàng năm cần bón bổ sung phân hữu cơ từ 5-10 kg/gốc. Sử dụng loại phân NPK 20-20-15+TE hoặc NPK 16-12-8-11+TE bón mỗi năm khoảng 3-4 lần với lượng bón như trên vào các đợt: Sau khi tàn hoa (sau dịp Tết), cắt tỉa cành; đầu mùa mưa; giữa mùa mưa và trước khi mai nở hoa khoảng 1-1,5 tháng. Cần bón phân theo hốc, theo rãnh sâu từ 5-7 cm theo tàn lá của cây, bón vào vùng có nhiều rễ non phát triển, sau đó lấp đất, giữ ẩm vào mùa khô, thoáng gốc vào mùa mưa.

5. Cách xử lý hoa mai tứ quý nở đúng Tết

 Để mai có thể nở vào đúng dịp Tết, cần tuốt lá và bón phân NPK hoặc phân hữu cơ trước đó một tháng.

Từ tháng 7 âm lịch đã phải bón phân cho cây. Có thể dùng các loại phân như: Phân NPK, phân bánh dầu, phân bò, phân heo hoai khô. 

Tưới nước hằng ngày cho cây, dùng vòi xịt, tránh chỉ tưới nước vào gốc.

 Trước Tết khoảng 15 đến 20 ngày thì trẩy lá cho cây. Nếu nụ hoa nhỏ, cần trẩy lá trước 20 ngày; nụ lớn thì để cận Tết (trước 10-15 ngày) mới trẩy lá.

 Do bông của mai tứ quý mọc ở ngọn chứ không mọc ở nách lá, nên chỉ tỉa bỏ lá để lại cuống lá

(nếu trẩy lá, cần chú ý tránh trầy xước. Có thể day lá tới lui để mềm cuống lá rồi bứt lá). 

Nếu đến ngày 23 tháng chạp nụ hoa chưa bung vỏ lụa thì cần tìm cách “đưa” cây mai ra chỗ nắng sau đó tưới nước vào buổi trưa hoặc tưới nước nóng âm ấm tay. 

Ngược lại nếu nụ hoa đã bung vỏ lụa trước ngày 23 tháng chạp thì tìm cách đưa cây mai vào chỗ râm mát, tưới nước vào sáng sớm, tưới thêm phân đạm pha loãng để làm chậm lại thời gian nở hoa.

                                                                                          TH.