Vườn hoa hồng cổ vào diện 4 mẫu “độc nhất vô nhị” ở xóm 9, Tân Tiến, làng Tân Bồi Hải Hậu, Nam Định do anh Phạm Văn Trọng làm chủ. Khu vườn với 200 loài hoa hồng cổ có nguồn gốc từ châu Âu hay Thái Lan và cả Việt Nam như: hồng cổ Sapa, hồng leo Sơn La, hồng Hải Phòng, hồng bạch Nam Định, hồng điều, hồng vân khôi, hồng leo cổ gốc Hải Phòng, hồng leo ngỗng tuyết của Đà Lạt, hồng leo phấn hồng, hồng cổ của Huế… Nhờ chăm sóc đúng cách, vườn hoa hồng nhà anh có ưu điểm hoa to, hương thơm dịu nhẹ dễ chịu, màu phớt hồng được nhiều người ưa thích.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng hoa hồng, anh Trọng cho biết: Việc trồng, chăm sóc hồng cổ không cầu kỳ. Khi mầm cây ươm cao từ 20-25 cm thì bấm ngọn, để lại 4 đến 5 cành tạo dáng cây, bón phân định kỳ 1 lần/tháng, phun thuốc trị bệnh nhện đỏ và bệnh đốm lá khi cây bị bệnh. Hoa hồng cần trồng ở nơi thoát nước tốt, tránh ánh nắng mạnh, thoáng gió, có nắng phân bố đều.
Theo anh Trọng, đặc tính của loài hoa hồng cổ là cần đất tơi xốp, độ ẩm vừa phải và phải đảm bảo độ thoát nước. Những giá thể trồng hoa hồng cần bổ sung chất mùn, trấu hun trộn lẫn phân chuồng để hoại mục, xỉ than… Mỗi năm, người trồng hoa cần phải bổ sung một lớp đất ải để thay đổi chất đất cho cây hoa hồng. Trong quá trình trồng, người trồng hoa hồng cổ phải chú ý thời điểm chăm sóc hợp lý như dọn vệ sinh lá già, cắt tỉa cành cằn cỗi, tỉa lá để giúp cây quang hợp và nâng cao sức đề kháng. Bên cạnh đó, phải thường xuyên bổ sung phân hữu cơ, phân gà hoại mục để giúp cây có độ sinh trưởng tốt, phát triển bộ rễ khỏe mạnh. Đặc biệt là hạn chế dùng phân hóa học, nếu dùng quá thì cây hoa hồng dễ bội thực thối rễ, thối gốc, dễ nhiễm sâu bệnh. Mùa mát thì nên tưới nước ngày 1 lần; thời tiết nắng nóng cao điểm thì tưới từ 2-3 lần/ngày. Anh Trọng chia sẻ, để có độ ẩm hợp lý, anh đã đầu tư dàn tưới nước tự động vừa giảm công lao động, vừa kiểm soát được độ ẩm của cây.
Bên cạnh đó, để cây phát triển tốt, cần chú ý diệt trừ một số loại sâu bệnh trên cây hoa hồng theo mùa vụ. Chẳng hạn vụ xuân này, người trồng hoa cần phòng bệnh phấn trắng, gỉ sắt; mùa lạnh thì phải phòng nhện đỏ, rệp xanh; mùa nóng thì phải kiểm tra thường xuyên và phòng bệnh bọ trĩ; mùa mưa thì phòng bệnh đốm lá, đen thân. Trong đó, 2 loại thường gây bệnh, dễ làm cây hoa hồng kiệt thân cần chú ý nhất là bệnh từ con nhện đỏ và bệnh đốm lá.
Một mùa xuân nữa lại về, vườn hoa hồng của gia đình anh Trọng đang mở rộng cửa đón khách đến để mua về chơi Tết. Hương sắc của hoa hồng cổ càng làm tăng thêm vẻ đẹp rực rỡ cho mỗi ngôi nhà./.
TH.