Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

E visa Vietnam

Để hoa mai nở đúng vào dịp Tết Nguyên Đán


Hoa mai đã được chọn là biểu tượng cho sức sống của mùa xuân. Trong tiết đông giá lạnh, trong khi vạn vật như đang run rẩy, co cụm, úa tàn, thì hoa mai vẫn tinh khôi bừng nở bên những lộc non mơn mởn.
Để hoa nở đúng dịp Tết, người trồng mai phải tính toán kỹ việc tuốt lá mai, về thời tiết, kích cỡ nụ hoa.




1. Xử lý trước khi tuốt lá

- Nếu lá Mai còn xanh, nụ còn nhỏ, nên tưới thúc thêm phân hoá học NPK loại 15-30-15 để kích thích ra hoa, pha với 10g/bình 8 lít nước, tưới đều từ ngọn đến rễ, tuần tưới 1-2 lần.

- Nếu lá Mai đã vàng, nụ Mai khá to thì có thể Mai ra hoa sớm, phải tưới phân bón lá, loại NPK 30-10-10 pha 1 gói 10g/bình 8 lít nước, để dưỡng lá cho xanh trở lại, không cho lá rụng và không cho hoa nở sớm.

- Nếu lá Mai đã già nhưng vẫn còn xanh, nụ hoa lớn vừa là rất lý tưởng, chỉ việc tưới bình thường vào sáng sớm và chiều mát để giữ cho mai đừng vàng úa, không nên tưới thúc phân.

2. Xác định thời gian tuốt lá

Từ ngày Mai bị tuốt hết lá (thông thường là từ ngày rằm tháng Chạp) trên các cành mai đã chớm xuất hiện những nụ hoa nhỏ bằng nữa hạt gạo, những nụ hoa này thường từ các nách lá.

Mỗi nụ như vậy lớn dần lên thành một cái hoa to thường gọi là hoa cái có lớp vỏ lụa bao kín bên ngoài. Trong hoa cái có nhiều nụ nhỏ.

Tính từ ngày vỏ lụa của hoa mai xuất hiện cho đến lúc nở là 7 ngày. Như vậy, nếu thời tiết trong những ngày cuối năm ấm áp, mà vỏ lụa của hoa bung ra đúng ngày 23 tháng Chạp, thì có hy vọng đúng đêm Giao thừa hoa mai đã bắt đầu nở lác đác.

3. Tính toán về thời tiết:

Từ ngày 10 tháng Chạp  ta nên chú ý những điều sau:

- Nếu biết trước nửa tháng cuối năm nắng sẽ tốt, khi trời ấm áp thì chắc chắn hoa mai sẽ nở sớm. Ta sẽ lặt lá trễ.

- Nếu biết trước nửa tháng cuối năm sẽ có mưa to hay khí trời chuyển lạnh thì năm đó Mai sẽ nở hoa trễ. Ta phải lặt lá sớm.

4. Quan sát nụ hoa trên cây: 

Cần quan sát nụ hoa đã xuất hiện trên cây trước khi lặt lá ra sao để định ngày lặt lá cho đúng:
- Nếu thấy nụ hoa còn nhỏ, với Mai vàng 5 cánh phải lặt lá vào ngày 13 tháng Chạp.
- Nếu thấy nụ hoa hơi lớn, với Mai vàng 5 cánh, phải lặt lá vào ngày rằm hoặc sang ngày 16 tháng Chạp.
- Còn thấy nụ hoa đã lớn, độ 3-4 ngày nữa sẽ bung vỏ lụa nên lùi ngày lặt lá đến 18, 19 hoặc 20 tháng Chạp.

5. Quan sát lá Mai trên cây

- Nếu thấy lá mai còn xanh, nụ mai còn nhỏ, có thể hoa sẽ nở trễ hơn Tết, nên lặt lá sớm từ ngày 10-12 tháng Chạp, nghỉ tưới nước một ngày cho khô nhựa, rồi tưới thúc thêm phân NPK loại kích thích ra hoa mạnh như 6-30-30 hay 10-5-10, pha 10g/bình 8 lít nước, khoảng 5 ngày tưới một lần, rồi tiếp tục tưới nước lại bình thường.

- Nếu thấy lá Mai hơi vàng, nụ mai to vừa, là rất đúng. Lúc này nên lặt lá mai vào đúng rằm tháng Chạp, cũng ngưng tưới một ngày, rồi tiếp tục tưới nước lại bình thường, mỗi ngày một lần vào sáng sớm hoặc chiều mát, không cần tưới thêm phân.

- Nếu thấy lá Mai vàng úa sắp rơi rụng, nụ mai khá to, có thể hoa mai sẽ nở sớm hơn Tết, nên đợi đến khoảng 20 tháng Chạp hãy lặt lá, cũng ngưng tưới nước một ngày, rồi mới tưới nước trở lại bình thường. Làm sao đến ngày 23 tháng Chạp, nụ mai bung vỏ trấu là vừa đẹp.

Tóm lại từ ngày 10 tháng chạp (AL) chúng ta nên quan sát lá và nụ hoa từng cây Mai lớn nhỏ ra sao rồi kết hợp với thời tiết để tính toán ngày nào tiến hành lặt lá Mai.

Việc tính toán sao cho đúng ngày ngày 23 tháng Chạp hoa cái bung vỏ lụa là được.

6. Tuốt lá

Có 2 cách tuốt lá Mai: Cầm lá lặt ngược ra sau, có ưu điểm tốn ít sức, nhanh nhưng có nhược điểm dễ kéo theo một đoạn dài vỏ cành cây làm hư hại nụ hoa và cành hoa;

Cách thứ hai là cầm lá kéo theo chiều của chiếc lá, ưu điểm gặp cuống dai cũng không bị xước vỏ, nhưng tốn nhiều sức, đối với những đọt non dễ bị đứt đọn do kéo quá sức.

Muốn cây Mai trổ sai hoa thì phải lặt sạch hết lá non lẫn lá già, miễn là đừng gẫy ngọn cành là được...

7. Xử lý sau khi tuốt lá

Với loại hoa Mai nhiều cánh, Mai trắng, sau khi tính toán kỹ theo cách trên, ta nên lặt lá trước thời hạn hoa Mai vàng 5 cánh khoảng 1 tuần.
Cũng nên lưu ý là sau ngày lặt lá Mai, ta nên theo dõi sự biến động của thời tiết bên ngoài ra sao:

* Nếu thấy khả năng Mai nở trễ thì chúng ta nên thúc Mai bằng cách hòa loãng phân NPK (10 lít nước cho 1 muỗng canh phân) tưới cho cây để thúc cây nở hoa sớm. Ngược lại, trời đang nắng hạn mà đổ mưa rào thì hoa Mai sẽ nở sớm, thì hạn chế số lần tưới nước trong ngày, chỉ tưới vào buổi trưa với lượng vừa phải.

* Trước tết 1 tuần (22-23 tháng chạp)

- Nếu thấy hoa cái bung vỏ lụa là chắc chắn hoa nở đúng tết

- Nếu hoa cái chưa bung vỏ lụa là Mai nở trễ cần xiết nước (ngưng tưới) vài ngày, đem phơi ngoài nắng (nếu trồng chậu) sau tưới thật đẫm trở lại bằng nước ấm (45-500C) đồng thời phun phân bón lá Đầu Trâu 901 để kích thích Mai nở sớm cho đúng tết.

- Nếu hoa cái đã bung vỏ lụa trước "22-23 tháng chạp" thì Mai sẽ nở trước tết nên cần phải bón thêm phân đạm (10-20 gam/10 lít nước) để tưới. Đồng thời cần tưới bằng nước lạnh (có thể cho nước đá vào) và dùng lưới bạt che nắng để hãm mai nhằm giúp hoa nở đúng tết.

- Đối với những năm nhuận, thường mai sẽ nở sớm hơn khá nhiều nên cần kéo dài thời gian bón phân thúc và tưới nước hơn so với những năm thường để kéo dài thời gian tăng trưởng thân lá, giúp mai nở đúng tết


                                                    TH.