Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

E visa Vietnam

Kỹ thuật trồng chanh leo đơn giản



Chanh leo là một trong những loại trái cây bổ dưỡng với nhiều dưỡng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể. Chanh leo giàu vitamin C - một chất có tác dụng như chất chống oxy hóa và có vai trò hỗ trợ chức năng miễn dịch rất tốt. Chanh leo cũng rất giàu chất xơ, protein và các khoáng chất, vitamin cần thiết khác không gây béo phì, giảm nhức đầu, phù hợp với người bị bệnh huyết áp cao. Bên cạnh đó, một số dưỡng chất có trong chanh leo giúp ngăn chặn sự tăng trưởng của các tề bào ung thư. . . Cách trồng chanh leo rất đơn giản, chỉ cần một chút thời gian bạn sẽ có một giàn chanh rất sai quả.



1. Đặc tính

Cây chanh leo là dạng cây thân leo, đa niên, nửa gỗ, dễ trồng, phát triển mạnh và không cần chăm bón quá nhiều. Thân cây tròn, lá mọc xen, viền lá có răng cưa nhỏ, có tua cuốn và có thể bám vào bất cứ chỗ nào. 

Nhiệt độ trồng thích hợp đối với cây chanh leo là từ 16 - 30 độ C. Cây cần có ánh nắng đầy đủ, khí hậu ấm áp và khuất gió. Chanh leo có thể trồng được trên mọi địa hình, nhưng thích hợp nhất với loại đất thoáng xốp, giàu hữu cơ như đất thịt nhẹ, đất đỏ bazan, feralit, cát cổ. 

Mùa thu đông rất thích hợp để bắt đầu dự án trồng chanh leo tại nhà.

2. Cách trồng

- Mua quả chanh leo làm giống, chọn quả già, mầu tím sẫm và vỏ nhăn nheo một chút.

- Bổ đôi quả chanh, lấy thìa xúc hết hạt ra và rửa sạch phần cơm nhầy bám trên hạt và để ráo nước.

- Để hạt nhanh nảy mầm t nên ngâm những hạt giống này vào trong nước ấm trong khoảng thời gian 24-36 tiếng trước khi đem chúng đi gieo.

- Lấy hạt gieo vào chậu đất có đường kính khoảng 30cm. Sau đó, phủ một lớp đất mỏng lên trên hạt. Tưới nước đủ ẩm cho cây nảy mầm, ngày khoảng 2 lần.

- Nên gieo hạt ở nơi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, giúp quá trình nảy mầm được diễn ra nhanh hơn.

- Sau khoảng 2 đến 3 tuần thì hạt giống đem gieo sẽ nảy mầm. Sau khoảng 6 tuần trở đi cây đã đạt chiều cao tầm 8cm,  có thể chọn lọc cây con tốt và khỏe để giữ lại trồng.

- Nếu trồng từ cây giống: Có thể mua cây giống từ chợ cây, về cho đất vào chậu và trồng. Bạn nên chọn cây cao tầm 8-10cm, lá xanh, thân khỏe. Tuy cách này tiết kiệm thời gian nhưng bạn lại bở lỡ giai đoạn được nhìn ngắm cây con lớn lên từng ngày.

3. Làm giàn

Chanh leo là loài cây dây leo nên cần làm giàn. Sau khoảng 3 tháng thì cây sẽ có chiều cao khoảng 70cm, bạn cần chuẩn bị từ trước giai đoạn này để cây một giá đỡ chắc chắn để bám và phát triển.

Kỹ thuật làm giàn có ảnh hưởng lớn đến việc ra hoa và đậu trái của cây chanh leo. Làm giàn có ưu điềm là dễ chăm sóc, vì thân dây leo, lá, trái đều bám trên một đường thẳng nên rất dễ theo dõi, từ việc tưới nước đến tỉa cành lá, phát hiện sâu bệnh. Bạn có thể làm giàn bằng dây điện, sắt, lưới thép, gỗ đều được, tùy theo khả năng sáng tạo và diện tích trồng của bạn.

Có thể làm giàn theo kiểu giàn mướp hoặc kiểu chữ T. Giàn kiểu chữ T chanh leo phát triển tốt hơn do ánh sáng tiếp xúc bề mặt tán lớn, hạn chế nấm bệnh, giàn cao khoảng 1,8 - 2 m là phù hợp.

4. Cây trưởng thành

Từ lúc trồng cho tới lúc cây ra bông hoa đầu tiên thường sẽ từ 5-6 tháng. Hoa của cây chanh dây khá đẹp và thơm, đường kính khoảng từ 6 đếm 10cm, gồm có đài và nhụy hoa màu trắng và phần gốc hoa màu tím sẫm. Điều đặc biệt là cả hoa cái và hoa đực đều nằm cùng trên một bông, chúng sẽ tự thụ phấn cho chính mình.

Chanh leo ra hoa liên tục trong khoảng 5-6 tháng bắt đầu từ tháng 4-5 đến tháng 10-11, tuỳ khí hậu từng vùng. Sau khi ra hoa được 1 tuần hoa sẽ héo và bắt đầu quá trình tạo quả. Quả non mới mọc có màu xanh non. Từ khi hoa trổ đến giai đoạn tạo quả rồi trái chín sẽ mất khoảng 60 - 90 ngày.

Quả của cây chanh leo khi chín có hai màu vàng và tím, nhưng hầu hết là màu tím. Quả tròn, đường kính khoảng 5-7cm. Trung bình một giàn chanh dây cho khoảng từ 40 đến 50 trái trong một vụ. 

5. Chăm sóc

- Tưới nước: Chanh dây là loại cây cần độ ẩm cao, lượng nước nhiều và thường xuyên vì vậy thường tưới 2 ngày 1 lần, nhất là vào mùa khô cần tưới lượng nước nhiều hơn sẽ gúp cho cây ra chồi, ra hoa và đậu quả liên tục.

- Cắt tỉa, tạo tán: Khi cây đã lên giàn cần tạo hình, tỉa cành thường xuyên, đặc biệt là tỉa bớt lá vào thời kỳ mùa mưa vừa để hạn chế nấm bệnh phát triển gây hại đồng thời nhằm ức chế sinh trưởng, giúp cây ra nhiều nụ, đậu nhiều trái.

- Cũng giống như những loại cây dây leo khác, chanh leo cũng gặp phải một số loại bệnh mà phổ biến nhất là bệnh đốm nâu. Các nhánh của cây sẽ có những đốm nho nhỏ có màu nâu, dần dần lan rộng và cành sẽ bị héo úa. Ngoài ra cây còn gặp phải một số bệnh như bệnh phấn trắng, bệnh thối quả... bạn cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của sản phẩm để khắc phục những tình trạng này.

6. Bón phân

Ngoài chế độ chăm sóc thường xuyên như tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, cần bón thêm phân cho cây sau mỗi đợt thu hái và cắt tỉa cành lá nhằm tạo điều kiện cho cây nhanh chóng hồi phục và bù đắp dinh dưỡng đảm bảo cho một đợt ra cành và hoa mới.
 Theo kinh nghiệm thì bạn nên bón phân đạm, kali cây sẽ xanh tốt, đơm hoa nhiều và rất sai quả.

7. Lưu ý khi trồng

- Khi trồng chanh dây bạn nên chú ý vào 3 thời điểm là khi cây mới trồng, lúc ra hoa và khi hình thành quả.

- Giai đoạn cây ra hoa đậu quả cần độ ẩm cao, nên ít nhất phải tưới 2 ngày/lần, nếu thiếu nước sẽ làm rụng hoa, rụng quả hoặc quả sẽ teo lại.

- Lúc cây ra hoa bắt đầu đậu quả bạn cần chú ý đến việc tỉa bớt lá chỗ quả mọc để giúp chúng đón nhận ánh sáng giúp chúng chín nhanh hơn.

- Việc cắt tỉa nên được tiến hành thường xuyên. Sau thu hoạch cắt hết tất cả các cành trên mặt giàn đã cho trái. Để lại thân và các cành từ mặt đất tới giàn. Sau đó cây sẽ ra chồi mới, phân cành cấp 2,3 và các cành quả. Nếu chanh dây không được đốn tỉa hoàn toàn vào cuối năm, sang năm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển đặc biệt làm hạn chế đến năng suất.

                                 
                                                                        TH.