Mỗi người trồng lan đều hy lan của mình có thể mọc thêm nhiều mầm mới, thêm một niềm hy vọng mới. Để lan mọc thêm nhiều mầm mới bạn có thể tham khảo một số kiến thức sau:
1. Thời gian cây nẩy mầm
Thường thì, vào độ cuối tháng 3 đến tháng 6 mỗi năm hoa lan bắt đầu nảy mầm, gọi là mầm xuân.
Ngoài ra, từ tháng 10 – 12 còn có thể ra mầm thêm lần nữa, lúc này gọi là mầm thu.
Mầm xuân dễ nuôi dưỡng thành gốc lan khỏe đẹp hơn, về phần mầm thu, sau khi ra mầm không lâu, gặp phải mùa đông lạnh giá khắc nghiệt, rất khó trồng thành một gốc lan khỏe mạnh.
Điều kiện cơ bản để một gốc lan có thể ra mầm mạnh khỏe là bản thân gốc lan đó phải trưởng thành và mạnh khỏe.
Do đó, khi mầm lan phát triển đến mức trưởng thành, nếu đều đặn cách 5 ngày hoặc 1 tuần, phun một lượng phân loãng thích hợp thì khi đến thời kỳ lan ra mầm, mầm mới vừa nhiều vừa khỏe.
2. Tách nhánh
- Sau vài năm cây lan đã trở thành một khóm lớn có 9 - 10 nhánh. Những nhánh già nếu để lại chỉ là chiếc bầu chứa nước chứ không ra hoa và cũng không mọc cây non nữa.
Để lại chỉ thêm chật chỗ, nhưng nếu tách rời ra, những nhánh già vì lý do sinh tồn sẽ mọc cây non. Khi tách ra, chúng ta cần phải có từ 3 - 5 nhánh. Nếu chỉ có 1 - 2 nhánh cây có thể chết vì không đủ sức, những nhánh non dù có mọc ra cũng khó lòng có hoa được.
- Khi tách nhánh nên dùng dao kéo đã khử trùng và phun thuốc sát trùng vào các vết cắt hay những chỗ bị phạm.
Thời gian tách nhánh tốt nhất là sau khi hoa tàn hay trong mùa hè. Không nên tách vào cuối mùa thu hay mùa đông.
3. Tạo củ giả
Khi tách ra, những củ già của các giống lan như Cymbidium, Oncidium, Encyclia, Stanhopea ... đừng nên vất đi, vì những củ này thường mọc ra cây non. Cần phải cắt bỏ rễ thối, lá già rồi để vào chỗ rợp mát, thỉnh thoảng phun nước cho củ khỏi khô héo.
Khoảng vài tháng sau các củ này sẽ mọc cây non, đơi khi cây mọc rễ khoảng 4 - 5 cm hãy đem ra trồng.
4. Tách cây con
Những loài như Phalaenopsis hay Dendrobium thường mọc cây non (keiki) sau khi hoa đã tàn. Khi đó vẫn tưới bón cho cây mẹ như thường.
Khi cây non ra rễ dài khoảng 4 - 5 cm sẽ dùng dao kéo đã khử trùng tách ra và đem trồng với những vật liệu cỡ nhỏ.
5. Cắt cành
Chúng ta cũng có thể nhân giống bằng cách cắt khúc cành hoa hay thân cây với những loại lan sau:
a) Các loại thuộc dòng thân thòng:
Loài lan thân đơn, ít khi mọc cây con ở gốc, nhưng lại hay mọc cây con ở trên đốt của cành hoa:
- Khi hoa đã tàn hết, cắt cành hoa sát đến tận gốc rồi cắm vào trong ly nước có pha phân bón 30 - 10 - 10 rất loãng 1/4 thìa cà phê cho 4 lít nước và lâu lâu lại thay nước một lần. Có người dùng nước dừa (coconut milk) thay cho nước lạnh, nhưng cách này dễ bị nhiễm trùng hay nhiễm nấm cho nên cần phải cho vài giọt Physan 20 hay Peroxide hydrogen vào. Để ở nơi rợp mát với nhiệt độ từ 25°C trở lên, vài tháng sau sẽ mọc cây non ở các đốt.
- Cắt các đốt ở dưới bông hoa đầu tiên (những đốt không có hoa) mỗi đầu chừa ra khoảng 2 - 3 cm, ngâm vào nước sát trùng trong vòng 20 phút rồi bỏ vào trong một chiếc bình bịt kín lai và để như trên.
b) Dòng dendro
Khi hoa tàn, cắt thân cây ra từng khúc như trên hay để nguyên cây, ngâm vào nước có pha chất sát trùng rồi đặt lên khay có rêu sphagnum moss.
Để vào chỗ rợp mát và ấm như trên, vài tháng sau sẽ mọc cây con.
c) Dòng Vanda, huyết nhung, phượng vỹ. . .
- Những cây lan thuộc các loài kể trên thường mọc quá dài và một đôi khi lại bị thối ngọn hay thối gốc nhất là Ascocenda và Vanda. Trường hợp này nếu không cắt ra và kịp chữa trị cây sẽ chết.
- Khi cây lan mọc quá dài, có thể cắt ra làm nhiều đoạn theo như hình bên, mỗi đoạn cần tối thiểu phải có từ 3 - 5 đốt và 2 - 3 rễ, gốc cây cũng vậy. Sau đó bôi thuốc sát trùng vào 2 đầu, có thể dùng vôi ăn trầu thay thế.
- Nếu cây bị thối ngọn, hay thối gốc, dùng dao thật sắc đã khử trùng để thân cây không bị dập. Cắt cho tới khi nào không còn thấy chấm đen ở trong lõi và phải cắt thêm vào chừng 3 cm nữa, bôi thuốc sát trùng và để vào chỗ mát và ấm mỗi ngày phun nước một lần, nhánh mới và rễ mới sẽ mọc ra.
TH.