Để có thêm những giò lan rừng mới sau một thời gian cây mẹ phát triển mạnh so với chậu trồng, bạn có thể tham khảo một số kinh nghiệm sau:
Bước 1: Đánh cây ra khỏi chậu
Tưới đẫm nước hoặc ngâm cả chậu vào trong nước vài phút để rễ mềm ra.
Đặt chậu nằm ngang, nắm chặt phần gốc kéo mạnh để cả bụi lan tụt ra khỏi chậu, nếu rễ bám chặt quá thì dùng mũi dao sắc, nhọn khoanh nhẹ một vòng xung quanh mép chậu để cắt đứt những rễ bám quanh thành chậu.
Bước 2: Tách thành nhóm từ 2 đến 3 thân
sau khi lấy bụi lan ra khỏi chậu, rửa sạch gốc rễ để loại bỏ chất trồng cũ, cắt bỏ rễ già đã bị khô chết, giữ lại rễ còn tốt và cắt ngắn chỉ để dài 5-6cm.
Dùng dao sắc hơ qua ngọn lửa hoặc lau bằng cồn 90o, cắt tách mỗi bụi ra thành nhiều đơn vị, mỗi đơn vị có hai đến ba thân và hai đến ba mắt mầm ngủ, dùng vôi bôi vào chỗ vết cắt để vết cắt không bị hư thối.
Bước 3: Trồng lan vào chậu mới
Chậu trồng nên dùng loại bằng đất nung có nhiều lỗ để thoát nước và cho rễ lan đeo bám, kích thước chậu tuỳ thuộc vào độ lớn của nhánh lan định trồng.
Chất trồng nên dùng than gỗ ngâm nước một ngày, vớt ra cho ráo rồi đập thành cục nhỏ kích thước 3-5cm. Xếp cục lớn dưới đáy chậu, cục nhỏ bên trên. Nhớ để mặt trên của lớp than cách mép chậu 2-3cm.
Dùng dây kẽm (lớn cỡ cây căm (nan hoa) xe đạp) làm cây ty, uốn gắn cây ty vào mép chậu, đặt cây lan lên mặt lớp than rồi cột thân cây lan vào cây ty để cây lan không bị đổ ngã khi chúng chưa kịp ra rễ bám chắc vào lớp than và thành chậu.
Khi trồng nhớ đặt cây lan ở gần mép chậu và xoay hướng mọc của cây lan con vào giữa để sau này cây lan con mọc dần về phía giữa chậu, chậu lan sẽ cân đối.
Để giữ ẩm nên phủ một lớp mỏng xơ dừa hay dớn sợi lên phía trên lớp than.
Bước 4: Chăm sóc lan sau khi trồng
Trồng xong đưa chậu lan vào chỗ mát, ẩm cao, tưới nước, phân hoặc phun phân bón lá: Atonic, Bayfolan, Grow more (loại 30-10-10) và thuốc kích thích ra rễ Rootone.
Khi thấy cây lan ra rễ non thì đưa dần chậu lan ra chỗ có ánh sáng rồi đưa lên giàn.
TH.