Cà tím (cà dái dê) được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ngoài ra, cà tím nhiều chất xơ, giàu vitamin B, còn được coi là "thần dược" phòng ngừa ung thư, tốt cho tim mạch, kiểm soát tiểu đường… Bạn có thể tham khảo một số kiến thức sau để trồng cà tím ngay tại nhà.
1. Chuẩn bị
- Thau, chậu, khay hoặc thùng xốp cao từ 20-25cm, rộng ít nhất 30cm.
Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.
- Đất trồng tơi xốp, giàu mùn, dễ thoát nước và có độ PH khoảng 6. Tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa…
2. Tiến hành gieo trồng
- Hạt cà tím ngâm nước lạnh từ 24-30 giờ. Sau đó vớt ra ngâm ở nước ấm có nhiệt độ khoảng 50 độ C trong vòng 1 tiếng. Công đoạn này vừa giúp làm mềm vỏ hạt để kích thích nảy mầm vừa giúp diệt trừ nấm bệnh. Ủ hạt giống trong vải ẩm cho nứt ra rồi mới đem đi gieo.
- Đem hạt đã ủ gieo từ 2-3 hạt vào một ô ở giá gieo hạt hoặc bầu. Sau đó lấp 1 lớp đất mỏng và tưới nước bằng vòi phun nhẹ.
- Khi cây con trồng trong bầu có từ 5 đến 6 lá thật và cao khoảng 6-8cm thì chọn ra những cây khoẻ mạnh nhất rồi đem trồng ra chậu hoặc thùng xốp. Sau khi cấy xong tưới nước cho cây và che phủ trong vòng 1 tuần.
3. Chăm sóc
- Cà tím là loại cây ưa nước, do đó trong thời gian đầu cần phải tưới nước hàng ngày. Lưu ý: Tưới đủ độ ẩm cần thiết cho cây con sinh trưởng phát triển tốt. Đặc biệt trong thời kỳ ra hoa và nuôi quả bạn không được để mặt chậu bị khô hoặc thiếu nước thì cây cà sẽ ra hoa kém dẫn đến giảm năng suất và trái không được to.
- Cà sinh trưởng tương đối dài ngày vì vậy cần nhiều phân. Bón lót nhiều lần cho cây nhỏ, ngăn ngừa rụng hoa, rụng quả. Nhất là những nơi đất xấu, bón lót làm tăng năng suất rõ rệt. Cần tiến hành bón thúc kịp thời, có thể chia thành 4 thời kỳ bón thúc cho cà tím như sau:
+ Đợt 1: bón ngay sau khi trồng cây con một tuần, bón nước phân hữu cơ pha loãng với nồng độ 20-30%. Cách 5-7 ngày bón một lượt. Sau khi trồng cây con được một tháng, tiến hành bón phân hữu cơ vào gốc kết hợp với vun gốc cho cây.
+ Đợt 2: bón vào lúc cây có nụ đến khi có quả. Đợt này không nên bón nhiều để hạn chế cây mọc vống, rụng hoa, rụng quả. Nếu đất xấu, cây phát triển kém, có thể bón 1-2 lần.
+ Đợt 3: Bón vào thời kỳ sau khi cây có quả đến lúc thu hoạch. Thời kỳ này cần bón nhiều phân, cách 4-7 ngày bón một lượt. Tưới nước phân hữu cơ pha loãng với nồng độ 30-50%, thúc cho cây tiếp tục ra hoa, kết quả.
+ Đợt 4: Bón vào lúc thu hoạch rộ trở đi. Sau mỗi lần thu hoạch bón một lượt phân để giữ cho cây có hoa liên tục đảm bảo năng suất về cuối. Từ lúc trồng đến lúc ra hoa cần giữ độ ẩm trong đất. Nếu trời nắng tưới ngày một lần, trời râm mát 3-4 ngày tưới một lần. Lúc cà có quả non thì tưới nhiều hơn. Thời kỳ đầu khi cây con mới trồng cần thường xuyên xới đất để đất không đóng váng, tăng độ ẩm cho đất, giúp cho bộ rễ phát triển và cây lớn nhanh.
- Tỉa cành:
+ Sau khi trồng cây con 1 tháng thì vun gốc để thúc cho bộ rễ phát triển, tăng cường giữ nước, giữ màu của đất, chống đổ ngã cho cây. Cây cà sau khi mọc được 7-9 lá là bắt đầu có quả. Lúc đó những nhánh này phát triển yếu, hoa quả hình thành chậm. Các cành này thường mọc thẳng đứng làm cho bên trong tán cây rậm rạp, thiếu ánh sáng, tán cây không thông thoáng, tạo điều kiện cho sâu bênh phát triển nhiều.
+Cần tỉa nhanh kịp thời, chỉ để lại một nhánh gần chùm quả thứ nhất, các nhánh khác cần được tỉa bỏ. Từ thời kỳ giữa đến cuối thời gian sinh trưởng của cây cà mọc thêm nhiều lá ở phía dưới làm cho cây không thông gió và thiếu ánh sáng. Vì vậy, cần tỉa lá kịp thời để thúc cho ra nhiều quả.
4. Phòng trừ sâu bệnh
- Bệnh lở cổ rễ: do nấm Rhizônia solani gây ra. Nấm này gây bệnh cho cây con lúc ươm và cây nhỏ khi mới trồng. Triệu chứng của bệnh là đoạn thân gần gốc teo thắt lại, có màu đen. Toàn bộ hệ thống mạch dẫn, mô vi sinh, vỏ cây bị thối và cây bị gẫy đỏ ngay thân rồi chết.
Cách phòng trừ: Luân canh cà với các cây trồng khác. Vệ sinh đất, không để đất ươm cây con quá ẩm. Khi bệnh xuất hiện nhiều, dùng thuốc Validacin để phun.
- Bệnh chết xanh: Do vi khuẩn Pseudomonas malvacearum gây ra. Vi khuẩn này làm cho cây hoặc bộ phận cây bị chết nhưng vẫn giữ màu xanh. Vi khuẩn gây bệnh làm hủy hoại, tắc nghẽn các mạch dẫn trong cây. Cũng có trường hợp vi khuẩn làm bộ rễ cây bị thối không hút được nước, cây bị héo và chết. Vì vậy, cần thâm canh, bón phân đầy đủ cho cây. Kịp thời phát hiện và loại bỏ những cây bị bệnh.
- Bệnh đốm nâu: Do nấm Cladosporium Fulvum Cke gây ra. Vết bệnh xuất hiện trên lá, ban đầu có màu nâu, cuối cùng chuyển sang màu đen. Bệnh lan dần ra toàn mặt lá làm cho lá khô và rụng. Bệnh phát triển mạnh khi cây ra hoa, hình thành quả. Cây bị bệnh này có thể chết. Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện ẩm. Nguồn lây lan bệnh chủ yếu là tàn dư cây bị bệnh.
Cách phòng trừ: Thu dọn kỹ tàn dư cây sau mỗi vụ thu hoạch, luân canh cà với các loại cây khác. Kịp thời tỉa cành, tỉa lá, bấm ngọn. Dùng các loại thuốc Boocđô, Zineb, benlat để phun khi bệnh xuất hiện nhiều.
5. Thu hoạch
Sau 60-70 ngày trồng là cà tím có thể thu hoạch đợt đầu tiên. Không nên thu hoạch lúc quả quá già bởi ăn sẽ không ngon. Thời gian thu hoạch tùy thuộc vào việc chăm sóc cây.
Bạn cũng có thể chọn những quả to, dài, đẹp, không sâu bệnh để già làm giống cho vụ sau.
TH.